Ông Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc hội nghị, đánh giá tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua và đưa ra một số lưu ý khi thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đối với cán bộ, công chức, viên chức và những nội dung dự kiến sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, làm đảo lộn các giá trị, suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước. Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa thường xuyên, vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài.

Ý thức được điều đó, công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ Ngoại giao luôn được Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ quan tâm và chỉ đạo sát sao. Đảng ủy Bộ đã xây dựng các chương trình, kế hoạch để quán triệt và thực hiện đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng và đặc biệt đã xây dựng “Quy định chuẩn mực đạo đức, cán bộ, đảng viên, quần chúng Bộ Ngoại giao theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Bộ luôn chú trọng xây dựng và đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng hàng năm của Bộ; xây dựng và ban hành nhiều văn bản để hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng. Thanh tra Bộ cùng các đơn vị chức năng trong những năm qua đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để rà soát và đánh giá kết quả việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, sự liêm chính cùng ý thức, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức tại các đơn vị thuộc Bộ.

Bộ cũng đã tích cực triển khai các giải pháp để phòng, ngừa tham nhũng như: Đẩy mạnh cải cách hành chính; công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng, đề bạt, luân chuyển, thi đua, khen thưởng và thực hiện chế độ, chính sách; thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong công tác mua sắm, đấu thầu, sử dụng ngân sách, tài sản; thực hiện nghiêm túc công tác kê khai và công khai bản kê khai tài sản; thường xuyên rà soát và bổ sung, sửa đổi các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn; xây dựng và đôn đốc thực hiện Quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp tại Bộ Ngoại giao… Nhờ việc thực hiện tốt các giải pháp này, công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ Ngoại giao thực sự đã phát huy được hiệu quả tích cực.

Bên cạnh đó, Bộ cũng rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Minh Vũ đề nghịcán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ Ngoại giao thực hiện 4 nhiệm vụ sau:

Một là: Các cấp ủy Đảng, Ủy viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Bộ, thủ trưởng các đơn vị nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định này.

Hai là: Các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng.

Ba là: Các đơn vị chức năng thường xuyên đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trong Bộ thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bốn là: Mỗi cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện đầy đủ các các quy định của Đảng, của pháp luật về phòng, chống tham những và Quy tắc ứng xử của ngành trong thực thi công vụ.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: KT

Qua hội nghị lần này, học viên sẽ nắm bắt được những nội dung cơ bản của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới: Những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng đã được xác định một cách có hệ thống trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI), Kết luận 21 Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) và Văn kiện Đại hội XII của Đảng; được cụ thể hóa và thể chế hóa bởi nhiều quy định của Đảng và Nhà nước, như: Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Cán bộ, công chức và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

Kim Thành