Tiền bôi trơn không bao giờ... xuống !

Liên quan đến việc TAND tỉnh Gia Lai ngày 7.9, tuyên án đối với 4 cán bộ Trạm KDTV về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, nhiều DN kinh doanh nông sản kêu trời vì bị hành thủ tục. Các cán bộ bị bắt vì nhận “phí đen” thuộc đường dây có tổ chức, hoạt động nhiều năm liền tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, Gia Lai).

Trao đổi với PV Báo Lao Động, nhiều DN kinh doanh nông sản qua cửa khẩu đều bị “ép” thu vượt so với quy định. Bà V.T.T - Phó GĐ Cty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ TT - nói: Đường dây “bôi trơn” ở Cửa khẩu Lệ Thanh có rất nhiều cách bắt ép lấy tiền. Cụ thể, chốt phí “bôi trơn” 5.000 - 10.000 đồng/tấn mì, 15.000 đồng/tấn điều và đậu nành, lạc là 7.000 đồng/tấn để nhanh gọn thủ tục. Nếu các DN nhập 1.000 tấn mì từ Campuchia về Việt Nam, với phí bôi trơn 5.000 đồng/tấn, số tiền phải “nộp” 50 triệu đồng.

Một giám đốc DN (xin giấu tên) nói, cứ 1 tấn nông sản mất 35.000 đồng tiền giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO, Certificate of Origin), 5.000 đồng tiền công ghi, tổng 40.000 đồng. Nhưng buộc phải nộp 60.000 đồng, trong đó, 20.000 đồng gọi là phí “bôi trơn” cho các đơn vị chức năng đóng tại đây.

Giám đốc này phân tích, cứ 10.000 tấn mì nhập từ Campuchia về Việt Nam, phí bôi trơn “nuốt” mất 200 triệu đồng. “Mình kêu ca, than vãn vì lỗ quá thì cán bộ một cơ quan chức năng nói “Buôn lỗ thì nghỉ đi”. Ngày trước, công bốc vác 55.000 đồng/tấn, mùa vụ sau giảm xuống 50.000 đồng, tiền cân hàng cũng giảm từ 10.000 đồng xuống 3.000 đồng/tấn, nhưng tiền bôi trơn thì “không bao giờ xuống”, vị này than vãn.

Cấp trên kiểm tra... nhưng không biết (!)

Vì bị vòi tiền trắng trợn, các DN kinh doanh nông sản buộc phải chở hàng nhập từ Campuchia ngậm đắng ngược lên Cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) để trả hàng, dù phải đi vòng mất 500km. Các DN tính rằng, họ bỏ ra 3,2 triệu đồng để mua 1 tấn mì từ Campuchia qua Cửa khẩu Lệ Thanh, cộng 115.000 đồng tiền công bốc vác (có phí bôi trơn). Về nước bán được 3,3 triệu đồng/tấn, lỗ mất 15.000 đồng/tấn.

Chính vì vậy, một số DN cho rằng việc bắt giữ 4 cán bộ Trạm KDTV Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đáng lẽ phải diễn ra sớm hơn. Chứ không phải để “đường dây” này hoạt động 4 năm liên tiếp, từ 2012 đến 2016 mới bị bóc gỡ.

Trong quá trình điều tra hoạt động 4 cán bộ Trạm KDTV, bà V.T.T - Phó GĐ Cty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ T.T - cung cấp thông tin cho Cơ quan Cảnh sát điều tra rằng: DN của bà nhập 5.000 tấn mì từ Campuchia về Việt Nam, phải làm 10 bộ tờ khai (500 tấn/bộ), tổng phí 5,46 triệu đồng. “Thế nhưng, theo “thông lệ” tôi phải chi 25 triệu đồng cho 10 bộ tờ khai cho Trạm KDTV. Số tiền gần 20 triệu đồng còn lại là phí “bôi trơn”. Người nhận tiền (cán bộ Trạm KDTV) thay phiên nhau nhận phí “bôi trơn” của DN, gặp người nào thì nộp cho người đó” - bà T nói.

Trao đổi với PV, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT Gia Lai) Hà Ngọc Uyển cho hay, cơ quan định kỳ tổ chức đi kiểm tra tại Trạm KDTV nhưng không biết việc có tiêu cực ở đây. “Trước khi bị bắt, đơn vị có biết gì đâu vì họ hoạt động bình thường. Mình kiểm tra là kiểm tra về nội quy, quy chế, giờ giấc, các nhiệm vụ chuyên môn... chứ làm sao mình biết mấy cán bộ này “giao ước” hoạt động dấm dúi ngoài với nhau” - ông Uyển phân bua.

Đặt lên bàn cân, như vậy đã có sự mâu thuẫn khi DN tố cáo có quá nhiều tiêu cực, nhưng cấp trên không thấy, không biết. Vậy, có hay không lãnh đạo các cơ quan chức năng có trách nhiệm kiểm soát cửa khẩu tại đây bị che mắt, có dấu hiệu tiếp tay?

Ngày 7.9, TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt Trạm trưởng Trạm KDTV Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh Nguyễn Đình Thành 14 năm 6 tháng tù giam, các nhân viên Đặng Mạnh Huy, Nguyễn Hoàng Túy 13 năm 6 tháng tù giam và Thái Văn Nhân đã chiếm đoạt 1,7 tỉ đồng tiền phí khống (vượt so với quy định của Bộ Tài chính) - mà các DN cho rằng, đây là phí “bôi trơn”. Trong cáo trạng, các cán bộ này khai đã “chi, biếu” cho Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Ngọc Uyển và Chi cục phó Nguyễn Văn Tú (thuộc Sở NNPTNT) hàng chục triệu đồng”. Đ.V

Theo Đình Văn/LĐO