73 năm qua, với nhiều tên gọi khác nhau: Ban Thanh tra Đặc biệt (1945 - 1948), Ban Thanh tra Chính phủ (1949 - 1954), Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1955 - 1960), Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (1961 - 1983), Ủy ban Thanh tra Nhà nước (1984 - 1989), Thanh tra Nhà nước (1990 - 2004), Thanh tra Chính phủ (từ năm 2004 đến nay), ngành Thanh tra Việt Nam luôn thể hiện được vai trò nòng cốt trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giúp các cơ quan Nhà nước chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện thể chế, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau khi được thành lập, Ban Thanh tra Đặc biệt đã tiến hành giám sát công việc của Uỷ ban nhân dân địa phương, giải quyết nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, qua đó chấn chỉnh được nhiều yếu kém, khuyết điểm trong hoạt động của Uỷ ban nhân dân, xử lý trách nhiệm những trường hợp vi phạm, minh oan cho những người bị oan sai, góp phần giữ vững kỷ cương phép nước, củng cố lòng tin của nhân dân với chính quyền cách mạng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), các tổ chức thanh tra đã tập trung thanh tra việc thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức, huy động công dân tích cực phục vụ tiền tuyến, công tác quản lý tài chính ở một số cơ quan hậu cần Quân đội, công tác thống nhất quản lý ngân sách, thu hồi các quỹ ở tỉnh, góp phần đáng kể vào việc động viên nhân dân ra sức sản xuất, đảm bảo đời sống, huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược.

Trong thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1954 - 1975), công tác thanh tra bám sát những nhiệm vụ cần thiết, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ trong việc khắc phục hậu quả của chiến tranh, xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.

Trong công cuộc đổi mới (từ năm 1986 đến nay), ngành Thanh tra đã bám sát các nhiệm vụ quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung làm rõ nhiều vấn đề bất cập nảy sinh trong công tác quản lý Nhà nước và nền kinh tế thị trường; tham mưu hoàn thiện thể chế thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, xây dựng lực lượng. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, hội nhập quốc tế phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Phát huy truyền thống của ngành Thanh tra, trong năm 2018, ngành Thanh tra đã tập trung triển khai thanh tra theo đúng kế hoạch, trong đó Thanh tra Chính phủ đã đồng thời triển khai nhiều cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, đã kết luận thanh tra đối với nhiều vụ việc nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm, thu hồi số lượng tiền, tài sản lớn về cho Nhà nước. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường, đã giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp được triển khai; thực hiện tốt các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Uy tín và vị thế của Thanh tra Chính phủ nói riêng và toàn ngành Thanh tra được ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật còn nhiều; đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân còn không ít; tình trạng, tham nhũng, tiêu cực vẫn còn phức tạp, đặt ra trách nhiệm nặng nề đối với ngành Thanh tra. Điều này đòi hỏi ngành Thanh tra phải nỗ lực, quyết tâm và nên thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Một là, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra phải coi trọng việc hoàn thiện về thể chế và thực thi pháp luật trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác một cách khoa học, kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan khi thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, triển khai thực hiện tốt các cuộc thanh tra, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo thời gian; chú trọng phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm; tập trung thanh tra công tác quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp; quản lý sử dụng vốn, tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, từ đó kiến nghị chấn chỉnh quản lý Nhà nước, hoàn chỉnh thể chế trên lĩnh vực thanh tra.

Ba là, chủ động thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết dứt điểm vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung ở lĩnh vực, địa bàn phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo.

Bốn là, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng; triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các cấp, ngành thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trọng tâm là công tác minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đồng thời, tăng cường thanh tra, phát hiện, phối hợp xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế và thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng, từng bước nâng cao chỉ số và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế về phòng, chống tham nhũng, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và tạo lập niềm tin của xã hội đối với Nhà nước trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Năm là, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy theo chủ trương của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, trọng tâm là nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức thanh tra để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhân Ngày Truyền thống của ngành, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra cần thấm nhuần đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nỗ lực hết mình thực hiện tốt lời dạy của Bác: Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, người cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”, cùng với việc thực hiện tốt văn hóa thanh tra là cơ sở để chúng ta góp phần cùng với các ngành, các cấp thực hiện tốt, hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định.

                                  TS Trần Ngọc Liêm

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ