Trong đó, qua công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) phát hiện sai phạm 154,51 tỷ đồng và  368.869 m2 đất; các cơ quan thẩm quyền của tỉnh cũng đã xử phạt hành chính nhiều hình thức vi phạm với số tiền lên đến 16,6 tỷ đồng. Đến nay, đã thu hồi vào ngân sách và trả lại các tổ chức, cá nhân được 99,1 tỷ đồng và 362.785 m2 đất các loại; cắt giảm quyết toán và từ chối thanh toán 13,784 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian này, Cơ quan Công an đã khởi tố điều tra 10 vụ án với 21 bị can có liên quan về tội tham nhũng (trong đó án cũ năm 2009 chuyển sang 1 vụ với 2 bị can, án khởi tố mới trong năm 7 vụ với 16 bị can, án điều tra lại 2 vụ với 3 bị can). Đến nay, đã kết luận điều tra đề nghị Viện KSND tỉnh truy tố 5 vụ với 10 bị can; tạm đình chỉ 1 vụ với 1 bị can; đang tiếp tục điều tra 4 vụ với 9 bị can. Viện KSND tỉnh đã thụ lý 10 vụ, với 20 bị can phạm tội về tham nhũng (trong đó: Án cũ năm 2009 chuyển qua 1 vụ với 1 bị can; án mới thụ lý trong năm 6 vụ với 15 bị can; án điều tra lại 3 vụ với 4 bị can). TAND tỉnh thụ lý xét xử 9 vụ án với 15 bị cáo phạm các tội liên quan đến tham nhũng (trong đó trả hồ sơ điều tra lại 1 vụ)

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc phổ biến giáo dục, triển khai nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN từ tỉnh đến cơ sở đã được quan tâm hơn; các cơ quan, đơn vị cơ bản đã xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy định về PCTN; nhận thức của đa số cán bộ công chức và nhân dân về tính nghiêm trọng, phức tạp và tác hại của tham nhũng đã được nâng lên; việc phát hiện, xử lý tham nhũng được chú trọng tăng cường trong các cơ quan chuyên trách; hoạt động của các cơ quan truyền thông, báo chí đã góp phần tích cực trong PCTN.
   
Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền và Đoàn Công tác của Thanh tra Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Nghệ An tháng 5/2010

Để ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, đồng thời loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, năm 2011, tỉnh Nghệ An tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân về công tác PCTN, đặc biệt tập trung vào đối tượng là cán bộ có chức vụ, quyền hạn; gắn với việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN của các cấp, các ngành; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc chấp hành pháp luật về PCTN; tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát các văn bản, để sửa đổi, bổ sung, loại bỏ ngay những nội dung, quy định không phù hợp, chồng chéo, khó khăn, gây phiền hà cho nhân dân; thực hiện có hiệu quả công tác PCTN như: Chuyển đổi vị trí công tác, trả lương qua tài khoản, công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan, đơn vị, kiểm tra, xác minh tính trung thực, minh bạch của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập cá nhân; gắn công tác PCTN với phát huy dân chủ ở cơ sở.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh đúng quy định pháp luật các đối tượng tham nhũng; tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng không để kéo dài; tích cực thực hiện việc thu hồi tài sản tham nhũng và khắc phục hậu quả do tham nhũng gây ra; giải quyết tốt đơn thư tố cáo của công dân liên quan đến hành vi tham nhũng theo quy định pháp luật; tập trung thanh tra, kiểm tra ở một số lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, như: Quản lý đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, quản lý tài chính, thuế... Tiếp tục thực hiện bước 2 Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý xã hội, giải quyết công việc của người dân, chống tiêu cực, sách nhiễu...
 
Đắc Xuyên