Trộm cắp “đường hoàng” - Họ là ai?

Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phải chống nạn ăn cắp của công, mà các cơ quan quen gọi là trộm cắp "đường hoàng"”(2). Theo Người, họ chính là cán bộ, đảng viên cả ở trong Đảng và ở ngoài Đảng mắc thói vô pháp, vô thiên - “vô chính phủ” đang ngày đêm tìm mọi thủ đoạn để vơ vét của công làm của tư mà Người rất đau xót khi ví họ là những con lợn: “Vì đảng viên thường xem phép luật, chính quyền…, là việc trong nhà. Vì vậy, mà có đôi đảng viên như những con lợn, (xin lỗi tiếng đó), họ rúc vào vườn rau của Nhà nước, chén một bữa no say, hoặc họ hy sinh lợi ích của nước nhà, để lên mặt mình là khảng khái. Chúng ta phải chấm dứt cái thói vô chính phủ ấy”(3)

Để nhận diện rõ hơn bọn trộm cắp “đường hoàng”, cũng trong nội dung bài nói chuyện trên Người dẫn chứng và giải thích rõ ràng: Vừa rồi, Báo Thanh niên cộng sản có nói về thứ trộm cắp “đường hoàng” ấy: Một chàng thanh niên bảnh bao, ở một cơ quan nọ, đã trộm cắp của công một cách đường hoàng, một cách có ngăn nắp, và trộm cắp đã nhiều lần. Điều đáng chú ý ở đây, không phải là thằng kẻ trộm. Đáng chú ý là những người xung quanh biết nó là kẻ trộm, chẳng những không chống nó, mà lại vỗ vai nó, khen ngợi nó, xem nó như một người anh hùng. Đó là một điều đáng chú ý, một điều rất nguy hiểm. 

Bác Hồ coi tham ô, lãng phí là tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Người chỉ rõ bản chất của hành vi tham ô là lấy của công làm của tư, là gian lận tham lam, là trộm cướp. Trong bài nói chuyện năm 1952 về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Hồ Chủ tịch nói rõ: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là ăn cắp của công làm của tư; đục khoét của nhân dân; ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô. - Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”(4).

Vì sao phải “chặt cành để cứu cây”?

Trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng thì cụm từ: “chặt cành để cứu cây” hay “diệt chuột đừng để vỡ bình”,… chẳng những vừa là khẩu hiệu, là phương châm hành động mà còn vừa thể hiện tính nghiêm minh, tính nhân văn trong “cuộc chiến” đẩy lùi trộm cắp “đường hoàng” đầy cam go trong nội bộ ta. 

“Chặt cành” là tất yếu về mặt lý luận, bởi vì: Sau khi cách mạng tháng Mười Nga thành công, chính quyền Xôviết non trẻ mới được thành lập, V.I.Lênin đã sớm nhận ra tác hại của tham nhũng đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Ngày 2/5/1918, nhân việc Tòa án nhân dân Mátxcơva xử nhẹ một vụ án hối lộ, V.I. Lênin không bằng lòng, và viết: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót, mà xử một cách pha trò, mềm mỏng nhẹ nhàng như vậy, - đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng. Cần phải nêu những đồng chí đã ăn hối lộ ra để cho dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi Đảng”(5). Cách vài hôm sau, Lênin viết thư cho cán bộ tư pháp: “Phải lập tức đề nghị một đạo luật để trừng trị những vụ hối lộ (ăn hối lộ, tặng hối lộ, và những cách hối lộ khác). Ít nhất cũng phải phạt 10 năm giam cầm và 10 năm khổ sai”(6)

Về vấn đề này, cũng từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận rõ về tác hại của tệ tham ô, lãng phí và quan liêu, ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), đã coi trọng việc lên án những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực Nhà nước trong không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Người luôn coi tham ô, lãng phí và quan liêu là ba kẻ thù hết sức nguy hiểm, Người viết: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ”(7) và “Trộm cắp tiền bạc của nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ, cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hơn nữa”(8). Vì thế, nó là: “Kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng mọi việc của ta”(9). Do đó, không thể không “chặt cành”.

Phiên khai mạc Đại hội XII của Đảng. Ảnh: ĐCSVN

 

“Chặt cành” cũng tất yếu về mặt thực tiễn, bởi vì: “Cuối cùng tên kẻ trộm "đường hoàng" kia đã bị bắt. Nhưng bắt một tên trộm ấy, có nghĩa lý gì, vì còn có hàng nghìn hàng vạn tên giặc như nó. Cần phải có biện pháp khác, biện pháp nghiêm ngặt hơn, để trừng trị chúng. Biện pháp ấy là gây nên một đạo đức để ngăn ngừa trộm cắp, gây nên một phong trào quần chúng gớm ghét, bao vây lũ giặc ấy. Biện pháp ấy là gây nên một cuộc vận động trong công nông chống trộm cắp; làm cho lũ trộm cắp “đường hoàng” cũng như trộm cắp kín đáo - không sống còn được”(10). Tính biện chứng của vấn đề là ở chỗ: Tuy là “chặt cành” hay “tiêu diệt” nhưng lại mang mục đích chính trị lớn lao là: Vì sự trong sạch của nội bộ, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự tồn vong của Đảng, của chế độ và vì sự phát triển của dân tộc; tức một hành động nhưng đạt mục tiêu kép: “Tiêu diệt trộm cắp, là một cách để bảo vệ, tiết kiệm và tránh lãng phí”(11).

Không ai khác và hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người có nhân cách vĩ đại, luôn thấm đượm chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo - “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế; Ôm cả non sông, mọi kiếp người” (“Bác ơi”: Tố Hữu). Nhưng vì nhân dân, vì cách mạng, vì Đảng và Chính phủ, mặc dù đau xót, nhưng Người vẫn quyết định “Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt” khi trong kháng chiến chống Pháp (năm 1950), Người đã chấp nhận bản án tử hình đối với Cục trưởng Cục Quân nhu - Đại tá Trần Dụ Châu về tội tham nhũng và hơn chục năm sau (1964) trong vụ án Trương Việt Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp phạm tội giết người và quan hệ bất chính. Hai cán bộ cấp cao với hai bản án nhưng có cùng một quyết định nghiêm khắc của Bác Hồ: “Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”!

Và bài học cho ngày hôm nay

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những chỉ dẫn và quyết định dứt khoát của Chủ tịch Hồ Chí Minh về diệt trừ tham nhũng đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, trước hết là lời cảnh tỉnh cho những cán bộ, đảng viên đang sống sa đọa và vướng vào tham nhũng. 

Sau hơn 30 năm đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta cũng phải đối mặt, thậm chí đã mắc phải một số yếu kém, khuyết điểm, trong đó, nạn tham nhũng có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, nặng nề hơn. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, với 11 hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã diễn ra, trong đó có đến 5 Hội nghị Trung ương (6, 7, 8, 9 và 11) có nội dung xử lý, kỷ luật cán bộ sai phạm, gần 60.000 cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật. Trong số 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật có 1 Ủy viên Bộ Chính trị; 4 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII; 14 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 1 nguyên Phó Thủ tướng; 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng; 2 Bí thư Tỉnh ủy; 5 nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức đảng. Lần đầu tiên, con số những cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật được thống kê cụ thể. Đây là hình thức kỷ luật cần thiết, là một công việc rất bình thường của Đảng, không thể không làm, không có cách nào khác. Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. 

Trước thực trạng trên, để khắc phục tình trạng này, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, bộ luật cho công tác phòng, chống tham nhũng. Từ sau Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Đại hội XI và Đại hội XII (và các Nghị quyết Trung ương) của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lớn về phòng, chống tham nhũng. 

Với tinh thần: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy!” - Câu nói thể hiện sự quyết tâm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (Người được nhân dân ta vinh danh là “Người đốt lò vĩ đại”) như một chất xúc tác, tăng thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong cuộc chiến chống trộm cắp “đường hoàng”. Với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; đặc biệt, từ kết quả tích cực trong điều tra, xét xử và thi hành các “đại án” những năm qua, cũng như dư luận tích cực, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế thì việc “chặt cành để cứu cây” vừa qua và những năm tiếp theo ở Việt Nam là một tất yếu khách quan.

(1) (2) (3) (4) (7) (8) (9) (10) (11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.369; tr.368; tr.368; tr.355-356; tr.357; tr.368; tr.357; tr.368-369; tr.369

(5) V.I. Lênin, Toàn tập, tập 36, Nhà xuất bản Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tr.346

(6) Sđd, V.I. Lênin, Toàn tập, tập 50, tr.91

TS Hà Sơn Thái - TS Nguyễn Xuân Đại

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng