Những tín hiệu vui

Phát biểu định hướng buổi làm việc, Tổng TTCP Phan Văn Sáu đề nghị lãnh đạo tỉnh Long An cùng các đại biểu tham gia buổi làm việc đánh giá đúng hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC, PCTN trong điều kiện đặc thù của địa phương. Những cách làm hay, mô hình hiệu quả cần được đánh giá, tổng kết để kiến nghị về cơ chế chính sách chung, các vấn đề còn bất cập cũng sẽ được TTCP ghi nhận để phát huy hơn nữa hiệu quả PCTN, trong đó tập trung vào công tác điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, cũng như kết quả thực hiện kết luận của Đoàn Công tác số 7 của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN.

Thay mặt lãnh đạo địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN. Với sự quyết tâm chính trị cao nhất, sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng, sự quan tâm giúp đỡ của nhiều bộ, ngành, đặc biệt là TTCP, hiệu quả giải quyết KN,TC từng bước đã được nâng cao. Công tác thanh tra đã bảo đảm tiến độ. Niềm tin của nhân dân về PCTN được nâng lên khi vai trò người đứng đầu được thực hiện nghiêm túc.

Ngoài ra, UBND tỉnh Long An đã thực hiện nghiêm các kết luận của TTCP, của Kiểm toán Nhà nước, cũng như đã và đang triển khai quyết liệt kết luận của Đoàn Công tác số 7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN về công tác điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng. 

Tuy nhiên còn một số nơi, một số đơn vị vẫn chưa tuân thủ đúng quy định về PCTN hoặc thực hiện còn hình thức, hiệu quả phát hiện tham nhũng sau thanh tra chưa cao. Vì vậy, UBND tỉnh Long An đã kiến nghị với Tổng Thanh tra và các cơ quan Trung ương về bổ sung, sửa đổi quy định về PCTN, trong đó có cơ quan chuyên trách, cơ chế nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Tham gia buổi làm việc có lãnh đạo nhiều cục, vụ của TTCP, Ban Tiếp công dân Trung ương, Ban Nội chính Trung ương. Ảnh: NG

Tại buổi làm việc, Chánh Thanh tra tỉnh Long An Phan Hữu Hạnh cũng báo cáo về kết quả thực hiện thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất gắn với tiếp công dân, giải quyết KN,TC theo thẩm quyền năm 2016 và quý I/2017. Trên cơ sở bám sát hướng dẫn của TTCP về thực hiện kiểm tra, rà soát các vụ việc KN tồn đọng, phức tạp, kéo dài tại các huyện khu vực biên giới, Thanh tra tỉnh Long An đã tham mưu cho lãnh đạo địa phương ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch với quyết tâm chính trị cao nhất là cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để từng bước tháo gỡ nhiều điểm nóng KN đông người, góp phần ổn định an ninh trật tự.

Nhận xét về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC của tỉnh Long An với nhiều chuyển biến mới, Cục trưởng Cục III Võ Văn Đồng cho rằng: UBND tỉnh Long An đã chủ động giải quyết xong các vụ việc theo Kế hoạch 1130, riêng 30 vụ việc theo Kế hoạch 2100 thì các cơ quan chức năng đã phối hợp với Cục III để giải quyết đúng quy định. Quy trình xử lý đơn, xác minh hồ sơ chứng cứ đã bảo đảm khách quan, công tâm, nhiều hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tham nhũng đã được xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần lưu ý là hiện tượng tái khiếu của công dân có hoàn cảnh sống khó khăn cũng như tiềm ẩn dấu hiệu khiếu nại phức tạp tại huyện Vĩnh Hưng khi người dân thay đổi nội dung KN không đòi đất cũ mà xin cấp đất sản xuất hoặc chuyển sang TC khi KN không đạt mục đích.

Định hướng mới với tư duy mới

Tại buổi làm việc, lãnh đạo một số cục, vụ chuyên môn của TTCP đã cho ý kiến về công tác thanh tra với tiêu chí không chồng chéo, bảo đảm có trọng tâm trọng điểm, cơ chế báo cáo, quá trình xử lý một số tổ chức cá nhân liên quan đến tham nhũng bị phát hiện qua thanh tra để TTCP tổng hợp, báo cáo kịp thời cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 

Đại diện Ban Tiếp công dân Trung ương đề nghị làm rõ hơn kết quả tiếp công dân đột xuất, sự phối hợp xử lý hiện tượng công dân tiếp khiếu, tiếp tố vượt cấp về thu hồi đất nông nghiệp, ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 huyện Bến Lức, tại dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây. 

Đi sâu phân tích về đánh giá hiệu quả công tác PCTN, Cục trưởng Cục IV Phạm Trọng Đạt khẳng định: Với bộ công cụ mới với 4 tiêu chí phù hợp điều kiện 63 tỉnh, thành, trong đó tỉnh Long An hơn mức trung bình cả nước là 1 điểm, vì còn hạn chế về hiệu quả tuyên truyền, công tác đôn đốc, theo dõi các vụ việc tham nhũng khi đã chuyển cho cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan công tố.

Nói rõ về một số vấn đề có liên quan, Phó Vụ trưởng Vụ 8, Ban Nội chính Trung ương cho rằng, sự ổn định về an ninh chính trị đã được tỉnh Long An thực hiện tốt với mối quan hệ phối hợp giữa địa phương và nhiều bộ, ngành. Các thông tin từ buổi làm việc hôm nay sẽ là một trong nhiều cơ sở quan trọng để Tổng TTCP Phan Văn Sáu ghi nhận và kiến nghị bổ sung cơ chế, chính sách mới. Ngoài ra, lãnh đạo địa phương phải chỉ đạo thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra với tiêu chí bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của các cấp ủy Đảng.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh khẳng định sẽ chỉ đạo thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC gắn với nâng cao hiệu quả PCTN. Ảnh: NG

Bày tỏ quyết tâm chính trị của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh khẳng định sẽ chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn nghiệp vụ của TTCP về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC gắn với nâng cao hiệu quả PCTN. Các quy chế phối hợp được duy trì với tiêu chí phân công, phân nhiệm giữa thanh tra, nội chính, công an, tòa án, kiểm soát, thi hành án. Thường trực Tỉnh ủy Long An tiếp tục thực hiện 3 vụ việc mà Đoàn Công tác số 7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã kiến nghị. Bên cạnh đó nhiều cá nhân đã bị kiểm điểm đối với các vụ việc tham nhũng nhưng lại tuyên án treo đối với 5 vụ việc, cũng như vụ cấm xuất nhập cảnh của lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Long An.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng của tỉnh Long An cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến hình thành cơ quan chuyên trách thay vì 6 cơ quan chuyên môn như hiện nay với thẩm quyền chưa đúng trọng tâm, trọng điểm. Trong thời gian chờ đợi có thể thành lập cơ quan chuyên trách tại cấp địa phương như mô hình của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Một vấn đề khác là cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu với hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng để địa phương thuận lợi trong thực hiện, cũng như quy định về chi phí mua tin tức chống tham nhũng vì hiện nay việc quyết toán có quá phức tạp do còn có ý kiến khác nhau về chất lượng tin tức và số tiền phải chi. Đối với một số chính sách để phát huy vai trò của thanh tra, nhiều ý kiến cũng mong muốn sửa đổi Luật Thanh tra để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.

Kết luận buổi làm việc, Tổng TTCP Phan Văn Sáu đã ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An về phát triển kinh tế - xã hội, với vai trò là cầu nối giữa TP Hồ Chí Minh với khu vực Tây Nam Bộ. 

Đặc biệt, Tổng TTCP Phan Văn Sáu biểu dương sự chuyển biến trong công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN mà địa phương đã đạt được trong năm 2016 và quý I/2017, sau khi TTCP tiến hành thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhiệm kỳ trước.

Tổng TTCP Phan Văn Sáu yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN của tỉnh Tiền Giang. Ảnh: NG

Về định hướng trong thời gian tới, Tổng TTCP Phan Văn Sáu đề nghị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đúng các nghị quyết của Chính phủ. Trong đó chú ý đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sau bài học từ sự cố môi trường biển tại miền Trung. Tại địa phương có dự án Nhà máy Giấy Phương Nam là 1 trong 12 đại dự án đang nhận được sự quan tâm của dư luận nên cần chú ý để tránh phát sinh những yếu tố bất lợi.

Tổng TTCP lưu ý phải bảo đảm minh bạch, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục hạn chế trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản của đối tượng tham nhũng năm 2016 để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này trong năm 2017, với tiêu chí tham nhũng là đáng ghét, đáng xấu hổ, là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tồn vong của chế độ. 

Lãnh đạo tỉnh Long An cần chủ động thiết lập cơ chế xử lý thông tin phát hiện tham nhũng của người dân, báo chí, đơn thư nặc danh nhưng có cơ sở sẽ là nguồn tin quan trọng để các cơ quan chức năng xử lý với biện pháp phù hợp. Tăng cường kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu với tinh thần thực hiện nghiêm Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị, trên cơ sở phối hợp tốt giữa các cơ quan chuyên trách, hạn chế hiện tượng trông chờ nhau, kéo dài việc xử lý tham nhũng.

Đối với công tác thanh tra phải bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, bám sát hướng dẫn của TTCP, quan tâm về thanh tra quản lý, sử dụng đất của nông lâm trường trên cơ sở cân đối nhân lực hiện có. Thanh tra tỉnh Long An cần hướng dẫn thanh tra chuyên ngành thực hiện đúng kế hoạch được phê duyệt trên cơ sở phối hợp giữa các cơ quan chức năng để hạn chế hiện tượng chồng chéo trong thanh tra. Tiếp tục đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN của thủ trưởng các sở, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thành phố.

Ngoài ra, Tổng TTCP Phan Văn Sáu cũng yêu cầu Thanh tra tỉnh Long An phối hợp cùng các cục, vụ của TTCP nhằm sớm xử lý dứt điểm các vụ việc KN, TC theo Kế hoạch 2100. 

Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh tặng quà lưu niệm của mảnh đất Long An trung dũng kiên cường cho Tổng TTCP. Ảnh: NG

Tất cả những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Long An, ý kiến của một số cơ quan chuyên môn liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của TTCP đã được Tổng Thanh tra ghi nhận và giao cho Vụ Tài chính, Kế hoạch Tổng hợp nghiên cứu kỹ để có định hướng, hướng dẫn phù hợp. 

Những kiến nghị khác cũng sẽ được Đoàn Công tác tiếp thu để báo cáo, kiến nghị với các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ.

Thay mặt lãnh đạo địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần tiếp thu toàn bộ kết luận của Tổng Thanh tra và sẽ triển khai thực hiện ngay trong những ngày tới.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Long An cũng mong muốn các cục, vụ của TTCP tiếp tục hỗ trợ địa phương để thực hiện tốt hơn nữa công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN.

Ngọc Giang - Chu Tuấn