Xuất thân từ gia đình bần nông ở vùng nông thôn khắc nghiệt tại miền Trung, việc làm và thu nhập rất hạn chế nên ông rất quý những đồng tiền đã bỏ ra.

Năm 2014, DA Cao tốc ĐN - QN bắt đầu thi công và ông có chân bảo vệ cho một nhà thầu thi công. Do thấy nền móng đường chưa đục mẫu mà đã lu lằn, không riêng gì một gói thầu mà nhiều gói làm như vậy, nên ông khuyên nhủ nhà thầu sửa chữa, khắc phục việc làm sai, tuy nhiên, không ai nghe. Sau đó, ông Lực xin nghỉ làm bảo vệ.

Day dứt và trên hết là trách nhiệm công dân, ông Lực bắt đầu hành trình bám theo các đơn vị thi công để tìm ra những lỗi “cốt lõi” dễ khiến cao tốc hư hỏng, xuống cấp về sau.

Theo ông Lực, gói thầu do nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) bỏ thầu thấp, khi thi công các giả hạ, rác rưởi, cây cối không tập kết ra bãi thải như quy định mà gạt qua lại rồi chôn xuống nền đất cao tốc. Phản đối tại hiện trường không hiệu quả, đêm đêm ông thức trắng ngồi viết đơn tố cáo cách làm cẩu thả bằng tấm lòng chân thực và thẳng thắn rồi thuê người đánh vi tính, sau đó gửi đến các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm, nhưng không thấy hồi âm.

Gặp tôi, ông Lực bức xúc phản ánh: “Chú đã gởi đơn ra Thanh tra Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải vì chú nắm quá rõ rồi, không thể làm như thế được, làm gì mà để chú và bà con bắt đào lên đào xuống mấy lần mà vẫn cứ vi phạm”.

Lần giở cho tôi xem hàng trăm bức ảnh về thi công cao tốc ĐN - QN, ông Lực chậm rãi: “Để có những bằng chứng sát đáng này, chú xin làm bảo vệ một trạm bơm trên địa bàn kiếm tiền mua một cái máy ảnh ghi lại hình ảnh để tố cáo cho cụ thể...”.

Ông lặng lẽ cùng chiếc xe máy cà tàng, bùn đất lem luốc đeo bám hiện trường công trình để thao tác. Các mỏ đất không đạt chuẩn nhưng đưa vào công trình hay đất đá trộn lẫn... đều được ông ghi lại, “bắt tại trận” nhiều lần và đề nghị ủi đất này ra khỏi lề đường.

Ông Lực cho biết, lo cho cao tốc ĐN - QN không khác gì lo cho ngôi nhà của mình, cứ phải chỉ bảo và đốc thúc thì họ mới chịu đưa những vật liệu xấu ra khỏi lòng đường, nhưng khi mình đi khỏi thì đất đá xấu lại được ủi vào.

Những nông dân ở khu vực xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thấy việc làm của ông Lực ý nghĩa nên nhiều người tự tổ chức đi giám sát. Từ đầu năm 2016, bà con phát hiện hàng chục xe tải hoạt động cả ngày lẫn đêm, xúc đất bùn dưới lòng hồ Hóc Dọc để đắp lên đường cao tốc. Bùn lầy đắp nền đường là có vấn đề. Không cần phải là kỹ sư mà mắt thường cũng có thể nhận thấy dấu hiệu đáng ngờ. Từ đó các lão nông bắt đầu thiết lập đường dây nóng, ông Lực là đầu mối tiếp nhận thông tin, đồng thời tự tổ chức đi giám sát cao tốc ĐN - QN.

Sau khi báo chí phản ánh về chất lượng đất đắp mặt đường cao tốc không đạt, nhiều nhà thầu cho rằng không đúng vì đã có đủ lực lượng tư vấn, giám sát kiểm tra, theo dõi chặt chẽ. Ông Lực gặp Ban Quản lý DA và nói thẳng: “Không cần mời báo chí tới đây đối chất, tôi sẽ đứng ra trả lời hết các ông sai gì, chỗ nào, ngày giờ, ai làm; vì đã có ảnh chụp, nhật ký ghi đầy đủ trong sổ theo dõi đây”!.

Nền đường cao tốc lộ ra nhiều tảng đá dễ xói lở. Ảnh: NP

 

Đã có nhiều tờ báo (trong đó có Báo Thanh tra) bị Ban Quản lý DA đường cao tốc ĐN - QN phát văn bản khiếu nại nội dung phản ánh về chất lượng thi công công trình. Riêng ông Lực cũng phải nếm trải mùi cay đắng...

Vợ ông là bà Trương Thị Cường đang bị bệnh xơ gan nhớ lại, có lần vào khoảng 1 - 2 giờ sáng, khi đang ngon giấc cũng là lúc ông Lực nhận tin điện thoại ra ngoài hiện trường công trình. Bỗng “ầm ầm” đá từ ngoài đường ném vào cửa, mái nhà nhưng bà không dám ngồi dậy bật điện mà chỉ mong trời chóng sáng...

Còn ông Lực cũng từng bị “người lạ” xông vào nhà, chặn đường nắm cổ áo đánh đập dã man gây thương tích với điều kiện không được gửi đơn khiếu tố.

Hết hăm dọa, đánh đập rồi mua chuộc, dụ dỗ ông. Thậm chí, có đơn vị nhận ông vào làm bảo vệ với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng nhưng ông từ chối, dù biết rằng khoản tiền đó là cả thu nhập của vợ chồng ông làm ra trong vài tháng.

Và rồi, dù nửa đêm gà gáy cứ nghe thông tin xảy ra trên công trường là ông tới lui hơn 10km để giám sát, ghi nhận bằng chứng. Đến 4 - 5 giờ sáng, ông quay về nhà dọn dẹp, lấy bánh cho vợ bán hàng ăn sáng bên cổng trường học để kiếm thu nhập 4 - 5 chục ngàn đồng/buổi.

Cao tốc ĐN - QN  mới thông xe chưa bao lâu đã xuất hiện nhiều vết "lở loét" mặt đường đoạn Đà Nẵng - Quảng Nam. Còn tuyến đường thuộc gói thầu A3 do nhà thầu Giang Tô thi công đoạn đi qua khu vực huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thì vẫn bình thường và chưa được phép thu phí. Nhưng những chứng cứ mà ông Lực và nhiều lão nông khác thu thập, cung cấp cho thấy, một phần chất lượng của công trình bị đe dọa; nhất là vào mùa mưa lũ lớn.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý DA, đến nay đã có nhiều cá nhân, tập thể bị kiểm điểm, kỷ luật. Riêng ông Lực được lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đề nghị xem xét, khen thưởng công lao nhưng vẫn chưa có kết quả.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm khen thưởng ông Lực và những người có thành tích trong công tác PCTN.

Nguyên Phê