Chúng tôi xin dành một góc đặc biệt để viết về bà, nữ Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy.

Trong ký ức của phần lớn cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra, bà là người lãnh đạo cởi mở, thẳng thắn, cầu thị nhưng cũng khá quyết liệt trong công việc. Cởi mở bởi luôn lắng nghe cho hết những băn khoăn vướng mắc của cán bộ cấp dưới. Thẳng thắn khi chỉ ra tất cả các điểm mờ của hồ sơ từng vụ việc. Cầu thị là khi không hiểu dù một khái niệm là từ địa phương, bà cũng tìm, hỏi cho thấu đáo. Còn quyết liệt khi xắn tay, trực tiếp bôn ba địa bàn các tỉnh, thành miền Đông, Tây Nam Bộ và miền Trung - Tây Nguyên rồi đến 9 đơn vị của Thanh tra Chính phủ, trong đó có những đơn vị đang ở giai đoạn vô cùng khó khăn.

Chia sẻ với chúng tôi, Ủy viên Trung ương Đảng Lê Thị Thủy từ chối được viết về mình. Bà cười, “tất cả đến với chị đều gói gọn trong 2 chữ cơ duyên”.

Có lẽ vậy! Nhìn lại 30 năm công tác của bà, có đến 2/3 thời gian và công việc gắn bó, liên quan đến công tác thanh tra, đặc biệt là công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Từ một giảng viên chuyên ngành pháp luật đến khi đảm nhiệm vai trò luật sư trong Đoàn Luật sư Nghệ An, Đại biểu Quốc hội khi đang còn rất trẻ (28 tuổi), bà đều đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Cho đến khi về làm chuyên viên UBND tỉnh, mặc dù công việc được giao ít liên quan nhưng hễ cứ được hỏi và có thời gian rảnh, bà lại ngồi vào xem các hồ sơ khiếu nại, tố cáo để cùng anh em nghiên cứu, trao đổi hướng để xử lý nhanh và đúng qui định, không để tồn đọng các vụ việc. Chắc có lẽ, đó là cơ duyên để rồi bà bước vào ngành Thanh tra với một tâm thế đầy nhiệt huyết và một tấm lòng luôn trăn trở với việc giải quyết đơn thư.

Cũng là một cơ duyên nữa, đó là khi bà làm ở UBND tỉnh, giữa UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh chỉ cách nhau có 1 bờ tường, nên khi được điều động về làm Phó Chánh Thanh tra tỉnh, bà thấy mình thật sự có duyên với ngành Thanh tra. Bắt đầu từ đây, nhiều tâm huyết, gửi gắm trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của bà đã có cơ duyên bén rễ nảy mầm.

Cách đây gần 2 thập kỷ, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Nghệ An Lê Thị Thủy đã luôn ưu tiên cho việc nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các qui định của Trung ương để tránh chồng chéo, trùng lặp, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Bà cũng rất quan tâm đến vấn đề thu hồi sau thanh tra để bảo đảm tính hiệu quả của công tác thanh tra và được lãnh đạo tỉnh ủng hộ. Cùng với chủ trương của ngành, “Quỹ Nghiệp vụ thanh tra” ngày càng được đi vào nề nếp.

Thanh tra tỉnh Nghệ An, đặc biệt là cá nhân bà rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tất cả các cuộc thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo đều được tập thể lãnh đạo Thanh tra tỉnh nghe và có ý kiến. Nguyên tắc làm việc của lãnh đạo Thanh tra tỉnh là không để tồn đọng các vụ việc khiếu kiện của dân. Từ đó, mỗi cán bộ ngành Thanh tra Nghệ An đều phải nỗ lực trong công việc để vừa đảm bảo tham mưu giải quyết các vụ việc có kết quả đúng pháp luật, có tính khả thi và đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo của bà, Thanh tra tỉnh tập trung xây dựng bộ quy chế chi tiêu nội bộ. Bộ qui chế công khai minh bạch tự bản thân nó tạo nên kỷ cương trong công việc cho toàn cơ quan là vậy.

Bên cạnh đó, cơ quan luôn ưu tiên đào tạo bồi dưỡng trau dồi tập huấn và cập nhật kịp thời các kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ cho mỗi cán bộ thanh tra. Với những đóng góp rất lớn của ngành trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Thanh tra Nghệ An đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng phần thưởng cao quý là đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Cho đến nay, đây vẫn là đơn vị duy nhất trong cả nước.

Truyền thống ấy được phát huy sau khi bà sang Ủy ban Kiểm tra tỉnh rồi trở lại đảm nhiệm cương vị Chánh Thanh tra tỉnh cho đến khi ra Thanh tra Chính phủ trong cương vị Phó Tổng Thanh tra.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Thủy nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng, phải có sự quan tâm của lãnh đạo và sự ủng hộ của cán bộ, công chức trong toàn ngành, của đồng chí, đồng nghiệp cùng với sự nỗ lực của cá nhân thì mới đảm bảo chất lượng công việc.

Bà chia sẻ, khi “chân ướt, chân ráo” ra Trung ương, nhiều công việc mới và ở tầm vĩ mô làm bà ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng hơn nữa là lại được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tin tưởng giao phụ trách đến 20 tỉnh, thành Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Địa bàn rộng lớn với nhiều phong tục tập quán khác nhau, nhiều khái niệm, thậm chí chỉ là tên gọi cũng khác nhau. Do vậy, hầu như bà không có ngày nghỉ. Ngày đi làm, tối về còn cặm cụi học, xem tư liệu, tự tra cứu… để hiểu phong tục, ngôn từ và từ đó xem xét, tham mưu giải quyết khiếu nại của dân đúng đắn nhất.

Sau đó, khi được phân công phụ trách các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, bà cũng có cơ duyên hóa giải điểm nóng về khiếu nại, tố cáo tại Tây Nguyên.

Thú thật, trước khi đến gặp bà, chúng tôi đã được một cán bộ của Cục II (Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2) “bật mí”, giải pháp được chốt để hóa giải điểm nóng Tây Nguyên là đề nghị của cá nhân bà Lê Thị Thủy sau nhiều đêm thao thức.

Hỏi sâu, bà chỉ chia sẻ giản dị rằng, quả thực là khi nghiên cứu phương án kiến nghị 1 của cán bộ cấp dưới và cả ý kiến của các bộ, ngành, bà vẫn thấy có gì đó chưa thật sự ổn. Suy nghĩ, trăn trở nhiều ngày, bà quyết định xây dựng phương án 2 trong kiến nghị đề xuất. Mãi đến gần cuối hội nghị, bà mới có cơ hội được trình bày phương án kiến nghị này. May sao, nó thu hút được sự đồng tình của Phó Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương, địa phương và các đơn vị liên quan. Đặc biệt, nó phù hợp với lòng dân, hóa giải được điểm nóng để an dân cho đến tận bây giờ…

Nếu hóa giải điểm nóng Tây Nguyên là điểm nhấn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác giải quyết khiếu, nại tố cáo thì việc giúp ổn định Báo Thanh tra cũng là một điểm cộng khác trong chỉ đạo điều hành nội bộ của bà Lê Thị Thủy.

Phải nói rằng, ở thời điểm bà phụ trách 9 cục, vụ, đơn vị thì Báo Thanh tra là đơn vị gặp khó khăn nhất do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế lên ngành truyền thông. Khi đó, Báo vừa đứng trước thử thách về kinh tế, vừa phải chèo chống để đảm bảo nhiệm vụ chính trị, giảm biên chế để ổn định tổ chức bộ máy… Chưa phụ trách báo chí bao giờ, bà xắn tay cùng lãnh đạo của Báo vừa xử lý khó khăn về tài chính; vừa sửa về cơ chế, chính sách; vừa đổi mới nội dung tờ báo để vực dậy đời sống cho cán bộ nhân viên. Nhờ đó, tờ báo giảm được một nửa nhân sự, từ 130 người xuống 65 người, một nửa bộ máy. Nội dung tờ báo được đổi mới, khởi sắc với dấu ấn là các chuyên đề hấp dẫn cả nội dung và hình thức, đáp ứng được mong muốn của Tổng Thanh tra, nhu cầu độc giả. Đó cũng là hình ảnh về bà, người nữ lãnh đạo xinh đẹp, gần gũi và đầy ân tình với cán bộ, phóng viên Báo Thanh tra.

Chia sẻ về nhiệm vụ hiện nay, bà tâm sự, kiểm tra và thanh tra rất gần nhau. Lãnh đạo của ngành Kiểm tra hiện nay cũng rất hiểu và chia sẻ đối với công tác thanh tra. Bởi vậy, cá nhân bà không bị ngắt quãng hay bỡ ngỡ trong công việc; lại tranh thủ được sự hỗ trợ, đồng tình của lãnh đạo ngành Kiểm tra và nhiều đồng nghiệp. Nhưng, vẫn còn đó, vẹn nguyên những trăn trở, vấn vương về trọng trách rất nặng và đòi hỏi rất cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ngành Thanh tra.

Muốn đáp ứng được yêu cầu ấy, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thì trước hết mỗi cán bộ ngành Thanh tra phải không ngừng nỗ lực vươn lên về mọi mặt và phải thực sự “có tâm, có tầm”. Cùng với đó là phương pháp quản lý điều hành công việc và các cơ chế chính sách phải đồng bộ, có sự kết hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Cũng theo Ủy viên Trung ương Đảng Lê Thị Thủy, để hiểu và chia sẻ với công việc của ngành thì không thể thiếu vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí, nhất là trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm về tham nhũng và khiếu kiện của nhân dân.

Chia tay Ủy viên Trung ương Đảng Lê Thị Thủy, chúng tôi thêm thấm thía hơn những kinh nghiệm và sẻ chia của bà về sự quan tâm của mỗi cấp lãnh đạo với mỗi cán bộ công chức, viên chức, nỗ lực của mỗi cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ vì sự phát triển ngày càng cao hơn của ngành. Mong rằng, bà vững vàng trong công tác, tiếp tục dành nhiều chia sẻ, tâm huyết với cơ quan và ngành Thanh tra ở cương vị công tác mới…

Thúy Nhài - Thân Giang