Không được chủ động cho vay tiền

Hôm nay (28/8), TAND TP Hà Nội xét xử đại án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank), dự kiến diễn ra trong 20 ngày. Theo cáo trạng, Oceanbank tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng được thành lập năm 1993 và được chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP vào năm 2007. Đến năm 2015, Oceanbank được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng và chuyển đổi thành ngân hàng TM TNHH MTV (Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ) rồi giao Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) tham gia hỗ trợ điều hành.

Năm 2014, Oceanbank có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm 20% vốn; Cty CP Đầu tư và xây dựng Sông Đà nắm gần 7% vốn. Bị cáo đầu vụ là Hà Văn Thắm nắm giữ gần 63% cổ phần tại Oceanbank đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện trước pháp luật của ngân hàng. Quá trình làm việc, bị cáo Thắm và các đồng phạm gây thất thoát cho Oceanbank khoảng 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm 2014 là gần 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lỗ hơn 10.000 tỷ đồng (tức âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần).

Theo thông tin từ Oceanbank, trong các năm 2015 - 2016, ngân hàng bắt đầu hoạt động có lãi và khắc phục 1 phần lỗ lũy kế để lại. Hiện tại, Oceanbank có 21 chi nhánh, 101 phòng giao dịch (tăng so với trước khi vụ án xảy ra) và vẫn giữ vốn điều lệ khoảng 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng này không được chủ động giải ngân cho vay khối khách hàng doanh nghiệp.

Tham nhũng, thất thoát nghìn tỷ

Theo cáo trạng, năm 2012, ông Thắm mua lại gần 85% cổ phần Ngân hàng Đại Tín từ bà Hứa Thị Phấn (SN 1947) với giá 4,4 tỷ đồng nhưng kèm nghĩa vụ trả nợ hơn 3.500 tỷ, đầu tư 920 tỷ... Sau đó, vì nhiều lý do, ông Thắm bán lại Đại Tín cho Phạm Công Danh (bị tuyên 30 năm tù trong vụ án Ngân hàng Xây dựng - PV).

Nhằm giúp Danh mua Đại Tín, tháng 11/2012, ông Thắm dùng tiền của Oceanbank cho ông Danh vay 500 tỷ thông qua Cty Trung Dung với tài sản thế chấp của bà Phấn. Việc này vi phạm quy định của NHNN và Oceanbank, khiến ngân hàng này thiệt hại hơn 343 tỷ đồng. Qua đây, các bị cáo Danh, Phấn, Thắm và Trần Văn Bình - GĐ Cty Trung Dung bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Ngoài ra, từ 2008, PVN trở thành cổ đông, đối tác chiến lược của Oceanbank, góp 20% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Xuân Sơn được PVN cử sang làm TGĐ Oceanbank và gợi ý cho Hà Văn Thắm nếu muốn huy động vốn từ các đơn vị thuộc PVN phải chi lãi ngoài khoảng 1%/năm. Thắm đồng ý và đã chi hơn 1.576 tỷ ngoài hợp đồng cho các khách hàng. Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và các bị cáo khác là nhân viên của Oceanbank cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong số tiền chi lãi ngoài trên, Thắm bị xác định đã chi 246 tỷ đồng ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN theo yêu cầu của Sơn. Trong đó, PVN (đơn vị Nhà nước) có 20% vốn tại Oceanbank nên trong số 246 tỷ đồng này, Nhà nước bị thiệt hại hơn 49 tỷ đồng. Vì vậy, bị cáo Thắm và Sơn bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” số tiền 49 tỷ đồng; tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”  với số tiền hơn 197 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thắm, Sơn và các đồng phạm còn dựng lên Cty BCS để thu tiền dịch vụ từ khách hàng của Oceanbank rồi trả lãi ngoài cho các đơn vị thuộc PVN. Qua đây, các bị cáo chiếm đoạt hơn 69 tỷ đồng gồm 2,2 tỷ của Oceanbank, gần 67 tỷ của khách hàng. Vì hành vi trên các bị cáo bị truy tố về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. 

Tòa triệu tập 727 người liên quan; 50 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 51 bị cáo và các đương sự. HĐXX gồm có 5 người gồm 2 thẩm phán là các ông Trần Nam Hà (chủ tọa), Trương Việt Toàn và 3 hội thẩm nhân dân. Ngoài ra, có 1 thẩm phán dự khuyết và 2 thư ký. Đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa có 2 chính thức và 1 dự khuyết.

 

Theo Xuân Ân/TPO