Chỉ rõ sai phạm, chấn chỉnh thiếu sót

Hàng loạt kết luận thanh tra, báo cáo xác minh các vụ việc liên quan đến nhiều dự án phát triển đô thị, dự án nhà ở tại nhiều tỉnh thành phía Nam được các cục, vụ của TTCP công bố đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm của các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, nhiều cơ chế chính sách mới cũng đã được TTCP kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ đạo các bộ, ngành bổ sung, chấn chỉnh quản lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hàng chục ngàn hộ dân có nhà đất thuộc diện thu hồi tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau hơn 20 năm ròng rã chờ đợi lẽ phải đã được làm rõ qua từng dòng, từng chữ của các kết luận được TTCP công bố trong năm 2018, 2019. Dù là một dự án có quy mô thu hồi nhà đất lớn, sử dụng nguồn vốn ngân sách lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, thời gian kéo dài với nhiều chỉ đạo cục bộ đã làm cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành điểm đen sai phạm.

Nhiều hộ dân đã giữ kỹ bản sao các kết luận này như một căn cứ pháp lý cao nhất, vì họ cho rằng: Khi và chỉ khi có sự vào cuộc của TTCP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì sai phạm mới được làm rõ và có giải pháp xử lý đúng quy định pháp luật, để ngân sách không bị thiệt hại, để quyền lợi hợp pháp của công dân từng bước được giải quyết.

Một trong các điểm sáng khác mà TTCP đã thực hiện tốt là xác minh, làm rõ bản chất khách quan của các quan hệ pháp lý tại nhiều dự án có sử dụng đất tại các khu đất có vị trí đắc địa. Lịch sử biến động nhà đất tại khu vực phía Nam đã dẫn đến nhiều sự việc phức tạp, gây ra hiện tượng tiếp khiếu, tiếp tố kéo dài, thậm chí có thể phát sinh khiếu kiện quốc tế nếu không có phương án giải quyết đúng lý, hợp tình, phù hợp thực tiễn. Sự việc tranh chấp tài sản tại khu đất 462 - 464 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP Hồ Chí Minh giữa một đơn vị thuộc Liên Hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam và đối tác nước ngoài, lại có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân đã được làm rõ trong báo cáo kết luận do Phó Tổng TTCP Đặng Công Huẩn ký báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đó là các doanh nghiệp không có quyền lợi liên quan sẽ phải di dời để trả lại khuôn viên nhà đất cho chủ sở hữu hợp pháp, việc tranh chấp tài sản góp vốn sẽ do TAND các cấp thụ lý.

Đây chỉ là một trong nhiều vấn đề đã được TTCP kiểm tra, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phương án giải quyết phù hợp để làm đường hướng chuẩn cho các sự việc tương tự. Lý do là nhiều địa phương vẫn quen với “cách dùng văn bản dưới luật để điều chỉnh luật” trong xử lý các dự án đầu tư, các dự án có sử dụng diện tích đất lớn, diện tích nhà có giá trị cao, phải giải tỏa nhà đất của nhiều hộ dân, hay sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất ven biển, quỹ đất di dời cảng biển, quỹ đất là tài sản Nhà nước tại các trung tâm đô thị.  Những kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng đất tại Bình Thuận, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước,… đều cho thấy hiện trạng đáng lo ngại khi sự cân bằng quyền lợi giữa người dân, chủ đầu tư và Nhà nước tại nhiều dự án thu hồi đất của dân chưa được bảo đảm.

Nhận định về điều này, nguyên Cục trưởng Cục III Võ Văn Đồng cho rằng: Cộng đồng tin tưởng vào TTCP vì những năm gần đây đã có thêm nhiều kết luận thanh tra trọng tâm, trọng điểm, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nhiều thiếu sót, vi phạm pháp luật, kiến nghị thu hồi tài sản tham nhũng, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật, với tư duy không có vùng cấm. Đây là tín hiệu vui được nhân dân đón nhận và ủng hộ để TTCP tiếp tục phát huy vai trò trong thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN, TC và PCTN.

Quyết tâm mạnh mẽ

Khối lượng công việc ngày càng nặng nề, tính chất các vụ việc được Thủ tướng Chính phủ giao ngày càng phức tạp, trong khi đối tượng thanh tra lợi dụng tình trạng một số quy định pháp luật chưa hoàn thiện để “câu giờ” trong thực hiện kết luận, kiến nghị của TTCP. Trong thực tiễn đã phát sinh việc có lãnh đạo địa phương trong quá trình thanh tra đã ký biên bản đồng ý với dự thảo kết luận nhưng sau đó trong quá trình thực hiện kết luận thì lại viện dẫn nhiều lý do để không thực hiện, gây tâm lý bức xúc cho tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Điều này dù đã được TTCP có nhiều văn bản chấn chỉnh nhưng sự chuyển động của các địa phương tại khu vực phía Nam rất chậm. Nhiều kết luận thanh tra dù đã được Thủ tướng Chính phủ có văn  bản chấp thuận với kiến nghị của TTCP vẫn chưa được thực hiện dứt điểm, thậm chí còn có hiện tượng báo cáo đi ngược lại nội dung kết luận, hoặc viện dẫn lý do không có cơ sở pháp lý là sợ ảnh hưởng đến chính sách chung đã áp dụng tại địa phương để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép không tiếp tục thực hiện kết luận.

Trong khi sai phạm cũ chưa được xử lý, khắc phục, thì một số địa phương lại tiếp tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật là quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, áp dụng đối với lĩnh vực nhà đất dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định. Sai phạm này cũng là vấn đề khó khắc phục khi lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã lợi dụng cơ chế phân cấp để ký hàng loạt quyết định đổi đất lấy hạ tầng, làm thất thoát tài sản Nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại cho doanh nghiệp, gây bức xúc cho dư luận vì Luật Đất đai 2013 không cho phép.

Đi sau các vấn đề này là quyền lợi về nhà đất của hàng ngàn hộ dân vẫn chưa được giải quyết đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về đường hướng giải quyết các vụ việc KN, TC phức tạp khi phần lớn các tỉnh, thành phía Nam vẫn mạnh tay đứng ra thu hồi đất cho chủ đầu tư tại các dự án kinh doanh bất động sản, sử dụng vốn tư nhân. Ngoài ra, là nguy cơ các hợp đồng được ký kết giữa doanh nghiệp tư nhân với UBND tỉnh, thành trở thành vô hiệu vì vi phạm pháp luật, nhưng công trình thì đã được triển khai thi công dang dở. Những nút thắt này tiếp tục tạo sức ép cho sự điều hành của Chính phủ, còn TTCP lại phải tiếp tục thanh tra, kiểm tra, rà soát để kiến nghị biện pháp xử lý.

Những điều này đã được Cục trưởng Cục III Trần Văn Mây chia sẻ với phóng viên Báo Thanh tra về sự nhận thức đúng hiện trạng các quan hệ pháp lý trong tình hình mới để có đối sách mới trong điều kiện đất nước sắp diễn ra nhiều sự kiện chính trị lớn. Đó là Cục III với chức năng quản lý Nhà nước tại phía Nam sẽ quyết tâm củng cố nhân sự với chất lượng cao nhất, có đủ kiến thức pháp luật, tinh thông nghiệp vụ để xử lý tốt các vụ việc được lãnh đạo TTCP giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất. Nội dung các vấn đề được Cục III triển khai và có hướng dẫn cho UBND các tỉnh, thành phía Nam sẽ có hàm lượng thông tin đầy đủ về kết quả thực hiện kết luận thanh tra, có dự báo về các vấn đề mới phát sinh có dấu hiệu xung đột giữa quy định pháp luật với các văn bản, quyết định mà các địa phương ban hành trong thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng tại các dự án phát sinh nhiều KN, TC khi thu hồi đất của dân.

Nếu làm tốt được vấn đề này thì các nút thắt sẽ được tháo gỡ một cách nhanh chóng để bảo đảm công khai, minh bạch trong thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN, TC và PCTN, là việc làm thiết thực chào mừng ngày thành lập ngành Thanh tra Việt Nam.

Giáng Thăng