Trình bày tại hội thảo, TS. Cung Phi Hùng cho biết, kê khai và kiểm soát TS,TN là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi TS tham nhũng. Trình tự, thủ tục kê khai và kiểm soát TS,TN đã có trong Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2005 và 2018; Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác PCTN, lãng phí đã nhận định là việc kê khai và kiểm soát TS,TN hiện nay còn mang tính hình thức, hiệu quả không cao.

TS. Hùng nhận định, hiện nay, việc kê khai TS và quản lý biên bản kê khai TS phân tán, chủ yếu do bộ phận tổ chức cán bộ của các cơ quan đảm nhiệm với nhiệm vụ chủ yếu là đôn đốc việc kê khai cho đúng thời hạn, đúng hình thức, vào sổ quản lý, làm báo cáo...

"Không có bất cứ một cơ chế nào ràng buộc trách nhiệm cũng như tạo điều kiện cho việc kiểm soát tính trung thực của việc kê khai TS. Việc tiến hành kiểm tra, xác minh cũng rất phức tạp, phụ thuộc chủ yếu vào tính trung thực của bản thân người có nghĩa vụ kê khai cũng như qua phát giác của công dân và đặc biệt là báo chí", TS. Cung Phi Hùng khẳng định.

Góp ý cho đề tài, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Viện CL&KHTT cho rằng, đề tài nghiên cứu về nhiệm vụ, quyền hạn của một cơ quan, vì thế, ngay ở tên các chương chưa được đầy đủ, cần phải hoàn chỉnh thêm. 

Bà Hiền đưa ví dụ, ở chương 1, không nên để là "Cơ sở lý luận về kiểm soát TS,TN", mà nên thêm vế sau để thành "Cơ sở lý luận về kiểm soát TS,TN của người có chức vụ, quyền hạn".

Bên cạnh đó, đây là đề tài nghiên cứu về mô hình cơ quan kiểm soát TS của người có chức vụ, quyền hạn; kinh nghiệm một số nước trên thế giới thì nên đi trực tiếp về mô hình kiểm soát TS,TN ở các nước trên thế giới chứ không nên có nội dung chung chung như hiện nay. 

Bà Hiền chia sẻ thêm, Chương 3, tên chương cũng nên thay đổi, chuẩn xác lại như ở Chương 1; bên cạnh đó, sau khi lý giải giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát TS,TN xong rồi Ban Chủ nhiệm mới nên đề xuất, đưa ra mô hình tổ chức của cơ quan kiểm soát TS,TN.

Bà Lê Thị Thuý, Trưởng phòng Quản lý Khoa học đồng tình với ý kiến bà Hiền về tất cả tên chương bám vào nhiệm vụ và quyền hạn, logic từ Chương 1 tới Chương 3, chứ như hiện tại là đang quá rộng. Còn các đề xuất mô hình, bà Thuý cũng đồng ý theo phương án, đề xuất mô hình trên cơ sở phân tích những bất cập.

Cũng tại hội thảo, bà Phạm Bích Ngọc, Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội thì cho rằng, kết cấu đề tài về cơ bản đảm bảo, tuy nhiên, nội dung chính liên quan tới cơ quan kiểm soát TS,TN, các khái niệm đang được đưa ra trong đề tài cần lựa chọn chứ không dàn trải như hiện tại. Ban Chủ nhiệm cần xác định rõ thực trạng kiểm soát TS,TN hiện nay có những bất cập gì thì từ đó mới nghiên cứu mô hình cho phù hợp.

“Trước năm 2008, kết cấu về thực trạng kiểm soát TS,TN, ít đề cập tới hành lang pháp lý. Vì vậy, Ban Chủ nhiệm nên thiết kế thêm một phần về những quy định hiện nay, về những điểm mới của khu vực tư đã được đề cập trong năm 2018”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Sỹ Giao, Phó Phòng Quản lý Khoa học, Viện CL&KHTT đưa góp ý nhỏ, trong đề tài, Ban Chủ nhiệm nên làm rõ khái niệm kiểm soát TS,TN vì nó liên quan trực tiếp tới chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan kiểm soát TS,TN.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, đây là một đề tài rất khó, kết cấu 3 Chương rất ổn, tiếp cận đang đi đúng hướng.

Ông Văn đưa ra gợi mở liên quan tới một số khái niệm cơ bản Ban Chủ nhiệm cần phải quan tâm: TS,TN là gì; thế nào là có chức vụ quyền hạn (cân nhắc khoanh trong khu vực công hay tư); định nghĩa về kiểm soát TS,TN; đặc điểm về kiểm soát TS,TN (nó là hoạt động mang tính tư pháp hay hành chính); chủ thể kiểm soát TS, là ai (có cả phía xã hội hay không); đặc điểm của đối tượng kiểm soát; phạm vi kiểm soát, phương thức kiểm soát TS,TN; những yếu tố ảnh hưởng (yếu tố pháp lý, văn hoá, tập quán, kinh tế, kỹ thuật...) tới hoạt động kiểm soát TS,TN; kinh nghiệm về kiểm soát TS,TN (kinh nghiệm trong công ước hoặc của từng nước)…

Chương 2 có nội dung rất hay, khá đầy đủ, ông Văn cho rằng, Ban Chủ nhiệm cần thêm chút nội dung về những điểm yếu, thiếu của văn bản pháp luật về kiểm soát TS,TN và những văn bản khác (liên quan tới Luật PCTN và Luật Phòng, chống rửa tiền) là khá hoàn chỉnh.

Tại Chương 3, trước khi đề xuất giải pháp, Ban Chủ nhiệm nên nêu ra các quan điểm trước. Riêng phần giải pháp, theo ông Văn, đầu tiên đề xuất giải pháp thực hiện tốt mô hình hiện nay; hoàn thiện luật. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình duy nhất và độc lập. Như vậy, đề tài sẽ có giá trị trong thực tiễn và tương lai lâu dài.

Thái Hải