Vụ án Nguyễn Long Vân (nguyên cán bộ của Chi cục THADS TP Đà Lạt đã có hơn 10 lần bị trả hồ sơ, điều tra bổ sung, rồi thay đổi tội danh, ngày 28/2, Hội đồng Xét xử (HĐXX) Phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã chính thức xác định tội danh của bị cáo Vân là “ra quyết định trái pháp luật”, bác kháng cáo kêu oan của bị cáo.

Ngoài ra, tòa còn buộc Chi cục THADS Đà Lạt bồi thường cho bà Phạm Thị Hồng hơn 17,5 tỉ đồng.

Cơ quan THADS có trách nhiệm bàn giao tài sản cho Công ty Phương Trang Đà Lạt theo đúng quy định của pháp luật.

Như Báo Thanh tra đã thông tin, năm 2008, ông Nguyễn Long Vân được giao tổ chức thi hành cho hai bản án mà bà Phạm Thị Hồng phải có nghĩa vụ trả với tổng số tiền hơn 48 tỉ đồng.

Tháng 1/2009, ông Vân đã thực hiện tiến hành kê biên và lập hội đồng định giá bán đấu giá toàn bộ khu đất 3.600m2 (số 357 đường Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt) để thi hành hai bản án mà bà Hồng phải trả nợ.

Người trúng đấu giá là Công ty Phương Trang Đà Lạt với số tiền hơn 37,244 tỉ đồng, cao hơn giá khởi điểm khoảng 50 triệu đồng. Công ty này ngay sau đó đã trả đủ số tiền, được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, bà Hồng đã gửi đơn tố cáo ông Vân vì cho rằng việc định giá thấp gây thiệt hại cho bà. 

Cơ quan điều tra kết luận: Tổng tài sản của bà Phạm Thị Hồng là hơn 54 tỉ đồng nhưng ông Vân ủy quyền bán chỉ được hơn 37 tỉ đồng là gây thiệt hại cho bà Hồng hơn 17,5 tỉ đồng.

Sau gần 10 năm xảy ra vụ việc, tháng 3/2018, TAND tỉnh Lâm Đồng mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Ông Vân bị phạt 3 năm tù về tội “ra quyết định trái pháp luật” nhưng cho hưởng án treo.

Về dân sự, Chi cục THADS TP Đà Lạt bồi thường cho bà Hồng hơn 17,5 tỷ đồng, và được yêu cầu bàn giao tài sản cho Công ty Phương Trang Đà Lạt vì đấu giá là là ngay tình.

Sau đó, các bên đều đồng loạt kháng cáo.

Chi cục THADS TP Đà Lạt kháng cáo vì cho rằng, việc TAND tỉnh Lâm Đồng buộc tội ông Vân phạm tội ra quyết định trái pháp luật và buộc Chi cục THADS TP Đà Lạt phải bồi thường cho bà Hồng hơn 17,5 tỉ đồng là không có cơ sở. 

Chi cục THADS TP Đà Lạt cho rằng bà Hồng không bị thiệt hại, vì vẫn trả được hai khoản nợ mà lại vẫn được khai thác sử dụng tài sản (đã bán) hơn 10 năm nay. Bản án sơ thẩm chưa xem xét, đánh giá một cách thực sự khách quan, toàn diện, chính xác nên có nguy cơ dẫn đến oan sai…

Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm hôm nay, tòa không chấp nhận kháng cáo của tất cả các bên.

Đối với đơn kháng cáo kêu oan của ông Vân, HĐXX nhận định do ông Vân thực thi việc THA không đúng quy định pháp luật dẫn đến việc mua bán tài sản của bà Phạm Thị Hồng không đúng với thực tế gây thiệt hại. Cấp sơ thẩm quy trách nhiệm hình sự với bị cáo Vân với tội danh trên là đúng.

Bị cáo Vân tổ chức thi hành thiếu thành phần, không đúng quy định pháp luật dẫn đến mua bán tài sản của bà Hồng không đúng giá trị thực tế gây thiệt hại cho bà Hồng. Cấp sơ thẩm quy trách nhiệm hình sự cho bị cáo về tội ra quyết định trái pháp luật và buộc cơ quan chủ quản là Chi cục THADS TP Đà Lạt phải bồi thường thiệt hại cho bà Hồng là có căn cứ.

HĐXX không chấp nhận đơn kháng cáo của bà Hồng vì, vào thời điểm bán đấu giá tài sản ngày 20/1/2009, không có ai đấu giá mua cao hơn giá tối thiểu mà hội đồng đã định nên không có căn cứ cho rằng tài sản của bà Hồng lên tới 126 tỷ đồng.

Việc bà Hồng cho rằng phải hủy kết quả đấu giá để định giá lại tài sản, HĐXX nhận thấy trong việc THA bà Hồng đã không chịu tự nguyện THA. Cơ quan THA đã buộc phải tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản của bà Hồng.

Công ty Phương Trang Đà Lạt là đơn vị tham gia đấu giá tài sản sản trên, là chủ thể mua ngay tình, nên xét thấy không có cơ sở hủy kết quả đấu giá như trên. Yêu cầu THA tiến hành bàn giao tài sản.

“Các quyết định còn lại gồm bản án cấp sơ thẩm xét xử không có kháng cáo kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết kháng cáo kháng nghị, bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày hôm nay”, chủ tọa phiên tòa nêu.

Công ty Phương Trang Đà Lạt tự nguyện bồi thường hơn 17,5 tỷ đồng

Tại phiên toà phúc thẩm, Công ty Phương Trang Đà Lạt tỏ ra khá bức xúc vì cho rằng việc mua bán ngay tình như trong các nhận định của các cơ quan chức năng và toà sơ thẩm. Thậm chí, giá đấu cao hơn giá thị trường thời điểm đấy không ai muốn mua, không ai tham gia đấu giá, và giá đấu thời điểm đó không thấp hơn giá thị trường, mà đấu giá lần 2 còn cao hơn giá đấu lần 1.

Hơn nữa, thị trường bất động sản đang thoái trào, đang bị đóng băng không có được bao nhiêu người có thể có khả năng mua, hoặc muốn mua nhưng không thể, thế nhưng hơn 10 năm không được giao tài sản.

"Hơn 10 năm nay bà Hồng vẫn sử dụng trái phép diện tích đất này và thu rất nhiều lợi nhuận, vì vậy, bà Hồng không hề bị thiệt hạị, mà chúng tôi mới là người bị thiệt hại, vì tính lãi suất, chúng tôi mất hàng trăm tỷ đồng.

Chúng tôi mua để đóng góp sự phát triển vận tải và phát triển logistics cho Đà Lạt chứ không có mục đích nào khác. Do vụ việc kéo dài quá lâu hơn 10 năm, nên chúng tôi tự nguyện sẵn sàng bỏ tiền bù đắp chi phí hơn 17,5 tỷ đồng (như án phúc thẩm yêu cầu), chỉ mong sao cho sự việc khách quan”, đại diện Công ty Phương Trang Đà Lạt bức xúc.

Nghiêm Lan