Theo TS Đỗ Gia Thư, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, có không ít vụ việc người TC đã phải gánh chịu những hậu quả đau xót. Trường hợp ông T.V.K ở TP Hồ Chí Minh sau khi TC bị đe dọa mà chẳng biết gia đình trốn đi đâu. Hay có 3 cô giáo mầm non ở Gia Lai TC hiệu trưởng sai phạm về thu, chi, tư cách không đúng chuẩn mực, nên đã bị điều công tác đến vùng sâu, vùng xa… “Người TC có tâm lý lo sợ liên lụy đến bản thân nên đành “mũ ni che tai” không TC những vi phạm pháp luật khi nó không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình”, ông Thư nói.

TS Thư còn chỉ ra, sự lộng quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và vai trò mờ nhạt của các tổ chức đoàn thể trong các cơ quan, đơn vị là một trong những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tình trạng kẻ mạnh thì bưng bít thông tin, người TC bị trù dập, trù úm kéo dài, bị đơn độc, không ai bảo vệ.

Thực tế, các cơ quan có thẩm quyền thường vào cuộc chậm, không ít trường hợp vi phạm bảo vệ bí mật danh tính người TC ngay sau khi người TC gửi đơn. Nhiều trường hợp còn lúng túng trong việc bảo vệ sức khỏe, danh dự, việc làm, chỗ ở và tài sản của người TC.

Toàn cảnh hội thảo

 

Theo Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, từ năm 2011 đến 31/3/2015, các cơ quan có thẩm quyền chỉ giải quyết được 21 trường hợp được áp dụng các biện pháp bảo vệ, bằng 1/3 số đơn mà người TC yêu cầu cơ quan Nhà nước áp dụng các biện pháp bảo vệ.

“Những hạn chế này làm mất lòng tin của người dân đối với cơ quan Nhà nước, làm hạn chế khả năng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước”, ông Đỗ Gia Thư nhận định.

Cần cơ quan chuyên trách bảo vệ người TC

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, TS Nguyễn Văn Quyền đặt vấn đề: Vậy làm thế nào để người dân mạnh dạn đứng ra TC? Cần có cơ chế gì để tạo niềm tin cho người TC?

Dự thảo sửa đổi lần này đã luật hóa nhiều vấn đề mới, tiến bộ vào chế định bảo vệ người TC. Nhưng, theo các chuyên gia, cần tiếp tục hoàn chỉnh, tránh chung chung để luật có “tuổi thọ, sống lâu hơn” và người dân thấy yên tâm.

TS Phạm Gia Yên, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng

 

TS Phạm Gia Yên, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, phân tích, cơ chế bảo vệ chỉ có Bộ Công an mới tổ chức thực hiện được. Còn các cơ quan khác khi ra quyết định bảo vệ người TC thì rất khó thực hiện.

“Dự thảo cần quy định rõ là cơ quan công an nào? Cấp phường, cấp quận, cấp TP… Và trong trường hợp các cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ người TC không triển khai bảo vệ hoặc bảo vệ không hết trách nhiệm mà người TC bị trả thù thì trách nhiệm đến đâu?”, ông Yên nói.

Nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng còn cho rằng, quy định chế tài với các hình thức kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương) đối với tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ người TC “không ổn”.

“Tùy nội dung TC, chỉ cần vi phạm một hành vi như tiết lộ thông tin về họ tên người TC, nội dung TC thì có thể lập tức người TC đã bị đe dọa, trả thù, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, thậm chí tính mạng thì làm sao người tiết lộ lại chỉ bị phê bình, hoặc cảnh cáo?”, ông Yên băn khoăn.

Để tránh chồng chéo, khó xác định trách nhiệm cụ thể, ông Đỗ Gia Thư đề nghị “có một cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người TC”.

Nghiêm khắc xử người “vu oan giá họa”

Các chuyên gia cũng lưu ý, không chỉ bảo vệ người TC mà còn phải có cơ chế để bảo vệ người bị TC oan, sai để tránh tình trạng lợi dụng dân chủ để gây rối.

Dự thảo luật quy định, người bị TC được “phục hồi danh dự, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, được bồi thường thiệt hại do việc TC, giải quyết TC không đúng gây ra theo quy định của pháp luật”.

TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản pháp luật, Bộ Tư pháp

 

Theo TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản pháp luật, Bộ Tư pháp, đây là điểm yếu. Bởi có những người bị vu cáo, bị “đánh đòn tập thể” bằng đủ phương thức, khiến đang sáng ngời lại bị vùi dập vì bị TC. “Người TC thường ở thế yếu hơn. Tôi đồng ý phải có biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ người TC. Nhưng cũng cần nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định để bảo vệ người bị TC sai sự thật, người bị vu cáo”, ông Sơn đề nghị.

Cùng quan điểm, ông Chu Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Luật gia quận Ba Đình (Hà Nội) nhấn mạnh, bên cạnh vinh danh, ghi công trạng người TC đúng, thì cũng phải trừng trị nghiêm khắc người “vu oan giá họa”. “Chúng ta không thể bảo vệ người TC tối đa mà bảo vệ người bị TC oan, sai lại tối thiểu được. Quyền lợi và nghĩa vụ phải ngang nhau", ông Thịnh nhấn mạnh.

Bảo vệ người TC từ danh tính đến tính mạng, việc làm

Dự thảo tập trung quy định những nội dung bảo vệ người TC, cụ thể:

+ Bảo vệ bí mật thông tin người TC trong quá trình tiếp nhận giải quyết TC; trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin về người TC của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

+ Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của các quyền nhân thân khác của người TC và người thân thích của người TC.

+ Bảo vệ ví trí công tác, việc làm của người TC, người thân thích của người TC trong trường hợp họ là cán bộ, công chức, viên chức và trong trường hợp họ là người làm việc theo hợp đồng lao động mà không phải là viên chức.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan giải quyết TC, cơ quan công an các cấp, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp trong việc bảo vệ người TC; việc áp dụng biện pháp bảo vệ, chấm dứt bảo vệ, lập hồ sơ bảo vệ người TC.


Thảo Nguyên