Về giải quyết đơn TC, mục 3 Thông tư quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, công chức nghiên cứu nội dung đơn TC, đề xuất người có thẩm quyền xử lý. Trường hợp đơn TC thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 157 Luật Thi hành án Dân sự thì thụ lý đơn TC; trường hợp đơn chưa đủ điều kiện thụ lý thì có văn bản trả lời cho người TC biết lý do hoặc hướng dẫn người TC bổ sung thông tin, tài liệu liên quan đến TC để được thụ lý giải quyết.

Trường hợp đơn TC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới hoặc cơ quan khác thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết và thông báo cho người TC biết.

Trường hợp đơn TC đã được chuyển, hướng dẫn, trả lời, giải quyết theo quy định của pháp luật nhưng đương sự vẫn tiếp tục có đơn cùng nội dung; đơn đồng thời đề gửi nhiều cơ quan, trong đó đã đề gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc đã mời người TC hai lần để xác định nội dung TC nhưng người TC không đến, không cung cấp thông tin, tài liệu thì lưu đơn.

Trường hợp hành vi bị TC có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền giải quyết TC có văn bản chuyển đơn TC và hồ sơ, tài liệu kèm theo đến cơ quan Điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau khi tiếp nhận TC thuộc thẩm quyền, người có thẩm quyền giải quyết TC kiểm tra, xác minh họ tên, địa chỉ của người TC và các nội dung khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Luật TC và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết TC. Trường hợp cần thiết, người giải quyết TC có thể làm việc trực tiếp với người TC để làm rõ nội dung TC và các vấn đề khác có liên quan trước khi thụ lý giải quyết TC.

Người có thẩm quyền giải quyết TC ra quyết định thụ lý giải quyết TC trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn TC và thông báo cho người TC và người bị TC biết.

Trường hợp người TC xin rút một phần hoặc toàn bộ nội dung TC và xét thấy việc rút TC là có căn cứ thì người giải quyết TC ra quyết định đình chỉ đối với nội dung TC đó. Việc rút TC phải được thực hiện bằng văn bản.

Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật chưa được phát hiện và xử lý hoặc có căn cứ cho rằng việc rút TC do người TC bị đe dọa, ép buộc thì người giải quyết TC vẫn xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Về xác minh nội dung TC, Điều 18 quy định, người có thẩm quyền giải quyết TC thành lập đoàn xác minh nội dung TC. Đoàn xác minh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để xác minh nội dung TC theo hướng công bố quyết định thành lập đoàn xác minh nội dung TC; trưởng đoàn xác minh có trách nhiệm giao hoặc công bố quyết định thành lập đoàn xác minh nội dung TC cho người bị TC trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ban hành quyết định. Việc giao hoặc công bố quyết định thành lập đoàn xác minh nội dung TC phải lập biên bản có chữ ký của người công bố quyết định và người bị TC. Biên bản phải lập thành hai bản, giao một bản cho người bị TC.

Người xác minh TC phải làm việc trực tiếp với người bị TC, yêu cầu người bị TC giải trình bằng văn bản về những nội dung bị TC và cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung TC, nội dung giải trình.

Trong trường hợp cần thiết, người xác minh TC làm việc trực tiếp với người TC để làm rõ về những nội dung TC, đồng thời yêu cầu người TC cung cấp các thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung TC.

Người có thẩm quyền giải quyết TC có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung TC. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc xác minh, trưởng đoàn xác minh phải báo cáo bằng văn bản về kết quả xác minh với người có thẩm quyền giải quyết TC.

Trường hợp xác minh vụ việc phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì đoàn xác minh báo cáo người có thẩm quyền giải quyết TC chuyển cơ quan điều tra hoặc Viện KSND có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp vụ việc phức tạp hoặc xét thấy cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết TC tham khảo ý kiến tư vấn của cơ quan chuyên môn, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, tổ chức cuộc họp, trao đổi ý kiến hoặc trưng cầu giám định trước khi kết luận nội dung TC.

Trường hợp cần thiết, trước khi ban hành kết luận nội dung TC, người có thẩm quyền giải quyết TC tổ chức cuộc họp để thông báo trực tiếp hoặc gửi dự thảo kết luận nội dung TC để người bị TC biết và tiếp tục giải trình.

Trường hợp trong dự thảo kết luận nội dung TC có thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin có hại cho người TC thì không thông báo thông tin đó.

Căn cứ nội dung TC, văn bản giải trình của người bị TC, báo cáo kết quả xác minh TC, các tài liệu, bằng chứng có liên quan, đối chiếu với các quy định của pháp luật, người có thẩm quyền giải quyết TC ban hành kết luận nội dung TC.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận nội dung TC, nếu người bị TC không đồng ý thì có quyền kiến nghị bằng văn bản đến cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết TC, trường hợp việc giải quyết TC đã đúng quy định của pháp luật thì cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết TC có văn bản trả lời, yêu cầu người bị TC nghiêm túc thực hiện kết luận nội dung TC; trường hợp phát hiện có tình tiết mới hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền đã giải quyết TC thì tiến hành giải quyết lại hoặc chỉ đạo giải quyết lại. Trình tự, thủ tục giải quyết lại TC được thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Lê Nguyên