Quyết chống tiêu cực trong ngành

Chất vấn người đứng đầu ngành Tài chính, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đề cập tới tình trạng buôn lậu, ngân sách một phần "đội nón ra đi", một phần tiền lại "chảy" vào túi cán bộ hải quan và ngân sách thất thu.

Theo ông Chiến, trách nhiệm chính ở cán bộ hải quan, nhưng Bộ trưởng lại cho rằng chỉ 28% thời gian kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm của hải quan.

ĐBQH Đoàn Hà Nội cũng nhắc tới loạt vụ án bắt giữ cán bộ hải quan trọng như vụ án 213 container tại cảng Cát Lái “bỗng dưng” biến mất, hơn 30 cán bộ hải quan phải ra hầu tòa mà không có cán bộ ngành khác; hay vụ bắt giữ 2 cán bộ hải quan tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh

"Trách nhiệm Bộ trưởng, ngành Hải quan tới đâu khi để xảy ra vấn nạn này. Nguyên nhân do buông lỏng quản lý hay suy thoái đạo đức cán bộ ngành Hải quan. Xin Bộ trưởng cho Quốc hội biết một lời khẳng định chấm dứt tình trạng trên?", ông Chiến chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, vụ 213 container báo chí nêu chính là vụ do Tổng cục Hải quan phát hiện ra. Trong quá trình theo dõi, phát hiện, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an. Đến nay Cơ quan Điều tra đã bắt 3 đối tượng.

Theo Bộ trưởng, vụ 213 container nếu nhìn thẳng vào nguyên nhân chủ quan thì đây là hiện tượng suy thoái trong đội ngũ cán bộ. Cho nên, cùng với việc xử lý cán bộ, Bộ cũng rà soát để sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách.

“Tinh thần thái độ, chúng tôi kiên quyết chống tiêu cực trong ngành, triển khai rất nhiều giải pháp”, người đứng đầu ngành Tài chính nêu ví dụ, như vụ việc An Giang bắt được 46 cán bộ hải quan.

Đây là vụ việc do Bộ Tài chính chỉ đạo và phối hợp với công an trong vụ doanh nghiệp gian lận hoá đơn năm 2013 - 2014, chuyển hồ sơ Cơ quan Điều tra.

"Thời điểm đó rất khó khăn nên lãnh đạo 2 Bộ trực tiếp trao đổi quyết tâm làm rõ, khi làm rõ doanh nghiệp thì liên quan cán bộ hải quan. Vừa qua ta đã xử, đây là giải pháp, kiểm soát nội bộ", Bộ trưởng nói.

Tư lệnh ngành Tài chính tiếp tục nhấn mạnh, “quyết tâm chống tiêu cực trong ngành”. Hàng năm riêng xử lý kỷ luật cán bộ thuế, hải quan liên quan đến thực hiện chức trách nhiệm vụ, vi phạm về mặt hành chính trên dưới 300 cán bộ/năm.

Lô thuốc ung thư máu chậm nhập không phải do hải quan

ĐB Nguyễn Quang Tuấn đánh giá, Bộ trưởng chưa đi sâu vào các giải pháp cụ thể trong cải cách thủ tục hải quan.

Hai câu chuyện được ông Tuấn dẫn đến là việc thuốc chữa ung thư ở TP Hồ Chí Minh nhập về nhưng thủ tục quá lâu làm thời hạn dùng thuốc không còn nữa, khiến các bệnh nhân ung thư không có thuốc dùng.

Và trong lũ lụt, thiên tai, việc nhận cứu trợ từ quốc tế cần phải làm sớm nhưng thủ tục quá lâu nên khi cứu trợ tới được với đồng bào thì quá muộn.

Trả lời ĐB Tuấn, Bộ trưởng Tài chính cho biết, qua kiểm tra lô hàng thuốc Tasigna đặc trị ung thư hạn sử dụng không còn đủ 12 tháng, theo quy định phải có xác nhận của cơ quan chuyên ngành.

Ngày 6/8/2014 sau khi có ý kiến của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL-VNPT đại diện làm thủ tục nhập khẩu cho Bệnh viện Truyền máu huyết học TP Hồ Chí Minh. Công ty đã làm việc với hải quan và hải quan đã thông quan ngay trong ngày.

"Việc chậm trễ là do chậm kiểm tra chuyên ngành", ông Dũng nói.

Trước đó hồi tháng 5/2017, Thanh tra TP Hồ Chí Minh công bố gần 20.000 viên thuốc Tasigna 200 mg trị ung thư máu được nước ngoài viện trợ cho Bệnh viện Huyết học Truyền máu  TP Hồ Chí Minh phải hủy bỏ vì hết hạn sử dụng vào năm 2015.

Bệnh viện giải thích thuốc Tasigna lần đầu nhập về Việt Nam nên thủ tục kéo dài hơn một năm, thuốc về kho chỉ còn hạn dùng 10 tháng. Ngoài ra, bệnh nhân phải đồng chi trả 4% trong một năm, tức 42 triệu đồng nên chỉ 26 người đủ khả năng mua thay vì dự kiến 50.

Thảo Nguyên