“Nóng nhất, các địa phương phản ứng nhất”

Theo ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác, việc nạo vét lòng sông hiện địa phương đang rất phản ứng.

Trên dòng sông nhiều bộ quản lý. Nạo vét lòng sông thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải; quản lý tài nguyên cát, sỏi, đá thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường; còn nước lại là Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn.

Nhưng khi cấp phép nạo vét các lòng sông, các doanh nghiệp khai thác lợi dụng, không thực hiện đúng quy định để khai thác, nạo vét ngay sát bờ tạo dòng chảy, luồng lở. Không chỉ riêng Bắc Ninh, Bắc Giang mà còn toàn bộ tuyến Hà Nam, Thái Bình.

“Đây là vấn đề nóng nhất, các địa phương phản ứng nhất. Đề nghị Bộ Giao thông Vân tải không cấp phép, dừng toàn bộ việc này lại để xem xét địa phương quản lý, cấp phép. Việc cấp phép này hiện địa phương không biết, có chuyện bảo kê, xã hội đen dọa lãnh đạo tỉnh”

Cũng theo ông Dũng, việc khai thác cát trái phép vì lợi nhuận kinh khủng, gây mất ổn định địa phương và nếu quản lý không tốt cũng gây thất thu cho Nhà nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ có giải pháp giải quyết nhanh chóng tình trạng xe quá tải, quá khổ.

Thời gian đầu công tác thanh kiểm tra có sự phối hợp tốt giữa các bộ liên quan nhưng vừa qua “buông” do sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước thiếu chặt chẽ.

“Các trạm tuyến bỏ ngỏ, có trường hợp lợi dụng thanh tra bảo kê cho xe quá tải. Hiện tại hạ tầng giao thông xuống cấp một phần do xe quá tải, quá khổ. Nếu không có sự hợp tác giữa công an và thanh tra giao thông thì chắc không làm được. Đề nghị bộ làm quyết liệt”, ông Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.

Các vấn đề  liên quan đến tai nạn giao thông; ùn tắc; xe dù, bến cóc; sân bay, sân ga; chất lượng công trình giao thông và dự án BOT, trạm thu phí... cũng được Thủ tướng yêu cầu Bộ có giải pháp thực hiện tốt hơn.

Nhân dân hai bên bờ bức xúc

Giải trình việc nạo vét lòng sông, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Hoàng Hồng Giang cho biết, từ năm 2008 đến năm 2015, có 66 dự án được cấp phép tận thu sản phẩm nạo luồng.

Nhưng triển khai rất chậm, phát sinh bất cập, Bộ đã kiên quyết chấm dứt 22 dự án không triển khai hoặc khó khăn vướng mắc khi triển khai. Cuối năm 2016, kiên quyết chấm dứt tiếp 16 dự án hết hạn hợp đồng, không gia hạn hợp đồng.

Hiện nay, sau khi chấm dứt sông Cầu chỉ còn 14 dự án đang triển khai và theo tiến độ kết thúc vào cuối năm 2017.

Cũng theo ông Giang, ngoài 14 dự án Bộ Giao thông Vận tải cấp phép, thì còn có 600 mõ khai thác cát trên các tuyến sông do các địa phương cấp. Trong 600 dự án này, có 166 dự án, địa phương cấp song song với dự án của Cục đường thủy nội địa cấp.

“Trên lòng sông, ngành giao thông vận tải chỉ quản lý rộng nhất 80m ở giữa sông và 25 m mỗi bên hành lang, còn lại từ hành lang vào đến bờ là của các địa phương quản lý. Đây chính là bất cấp, các đối tượng đã lợi dụng sự chồng lấn để vi phạm”, ông Giang báo cáo.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, việc cấp phép nạo vét lòng sông thực tế hoàn toàn khác với quy định

Cắt lời, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, quy trình, quy định đúng rồi, thông luồng nội địa để tàu đi là đúng rồi. Vậy bất cập là cái gì?

Thực tế, khác hoàn toàn, gây bức xúc cho nhân dân hai bên bờ, rồi các đơn vị được cấp phép cũng xảy ra tranh chấp vì chồng lấn. Việc này không chỉ ở Bắc Ninh.

“Trong quy trình làm có thống nhất với tỉnh, nhưng địa phương huyện nơi có dòng sông thì không biết. Khi xảy ra tranh chấp thì nằm ở đây chứ không phải ở trên TP. Trụ sở tỉnh nằm ở TP”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.

Giao địa phương cấp phép mới quản được

 “Ý kiến của Thủ tướng là liệu có nên giao cho địa phương cấp phép hay không?”

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa nêu quan điểm, nên giao địa phương cấp phép. Bộ phối hợp cùng với địa phương quản lý luồng, còn tận thu thì để địa phương cấp phé. Như vậy, thì có đầu mối và địa phương mới quản được.

“Quan điểm của chúng tôi là hoàn toàn ủng hộ đề xuất của địa phương. Riêng Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục đường thủy nội địa dừng cấp phép, cùng với đó phải kiểm điểm đánh giá”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, vẫn phải tiếp tục nạo vét, vẫn phải tiếp tục tận thu nhưng thông qua địa phương thì sẽ khả thi và sẽ quản lý được.

“Địa phương nói cũng đúng thôi, chỗ nạo vết thì không nạo, toàn nạo vào bờ thôi, tàu đứng một chỗ nhưng vòi chui tận đâu đấy. Cái đó là thực tế. Trong năm 2016, Bộ cơ bản đã dừng cấp phép”.

Riêng đối với vụ việc xảy ra ở Bắc Ninh, Thủ tướng đã chỉ đạo, Bộ Công an đã vào cuộc.

Ông Nghĩa cho biết, quan điểm Bộ rất mong, là qua vụ việc này làm rõ có tiêu cực hay không ở trong cơ quản lý nhà nước, cụ thể là Cục đường thuỷ nội địa và các tiệc cực khác.

“Qua đợt này, tôi rất mong muốn làm quyết liệt để chỉ ra địa chỉ, một là cơ quan nhà nước, hai là xã hội đen trong hoạt động này”, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

Đồng ý với Bộ trưởng Nghĩa, ông Mai Tiến Dũng cho rằng, nên phân cấp quản lý và giao cho địa phương cấp phép vì địa phương quản lý tốt hơn rất nhiều.

Việc “bảo kê” cho xe quá tải rất lớn

Còn liên quan đến tình trạng xe quá tải, quá khổ, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Nguyễn Văn Huyện thừa nhận, có “việc bảo kê đằng sau rất lớn”. Công tác quản lý, phối hợp giữa các cơ quan đang có nhiều bất cập. Tình trạng xe quá tải, quá khổ đã quay trở lại.

Theo ông Huyện, Bộ Giao thông Vận tải đang tiến hành kiểm tra. Nhưng để xử lý triệt để, thì cần tiếp tục sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, việc xử lý xe quá tải, quá khổ, giải pháp phải từ bộ.

“Khi đăng kiểm, anh bê thùng cơi nới cất đi, bê cái thùng chuẩn để đăng kiểm, ra thì lại lắp thùng cơi nới vào. Muốn xử lý xe quá tải, quá khổ thì phải cắt cơ nới. Không cơi nới, anh chở đất, đá nếu có hơn thì cũng chỉ vài tạ. Mà cơi nới không ai khác thì trách nhiệm của Bộ”, ông Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tình trạng xe cơi nới, xe “3 chân, 4 càng chạy” cứ nườm nượp thì đường cũng sẽ hỏng. Đây là vấn đề rất bức xúc, Bộ cần có giải pháp phối hợp với các địa phương để ra quân quyết liệt.

Từ ngày 1/2016 đến ngày 10/3/2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải 610 nhiệm vụ. Trong đó, đã hoàn thành 510 nhiệm vụ, còn 95 nhiệm vụ trong hạn và 5 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn.

Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá, số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho Bộ Giao thông Vận tải so với các bộ, ngành khác rất lớn. Tỷ lệ hoàn thành là khá cao. Những nhiệm vụ chưa hoàn thành và những vấn đề Thủ tướng lưu ý cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện quyết liệt.

Thảo Nguyên