Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nêu rõ: Tham nhũng đã vượt qua biên giới mỗi quốc gia và trở thành vấn đề nhức nhối, đe dọa đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam , công tác phòng, chống tham nhũng luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, tham nhũng, lãng phí vẫn đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc Kyung-ho Park cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu chỉ dựa trên nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, vì thế cần có sự tham gia, ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội. Ông Kyung-ho Park hy vọng, bộ công cụ đánh giá việc thực hiện chính sách này sẽ góp phần vào nỗ lực phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan tổ chức công tại Việt Nam . Thời gian tới, Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc sẽ tích cực theo dõi, hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống tham nhũng, hướng xây dựng xã hội trong sạch ở Việt Nam.

Năm 2016, Thanh tra Chính phủ ban hành quyết định về việc phê duyệt “Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng đối với cấp tỉnh 2016” theo kinh nghiệm của Cơ quan Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc nhằm tập trung đánh giá công tác phòng chống tham nhũng của UBND cấp tỉnh. Hiệu quả của công tác này được tính bằng thang điểm 100, dựa trên bốn nội dung chính: Quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa; phát hiện hành vi tham nhũng; xử lý các hành vi tham nhũng.

Theo đó, điểm số trung bình của cả nước sau khi Thanh tra Chính phủ thực hiện rà soát, đánh giá lại là 58,34/100 điểm, cơ bản đã phản ánh đúng tình hình phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2016. Thực tế cho thấy, kết quả công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2016 chưa đáp ứng được yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng, chưa tương xứng với quyết tâm của Đảng, nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Kết quả cho thấy, điểm số của các địa phương có những khoảng cách nhất định, cao nhất là 77,67 điểm, nơi thấp nhất là 43,53 điểm; có tới 31 địa phương có điểm số thấp hơn điểm số trung bình. Theo đánh giá, yếu nhất là công tác phát hiện tham nhũng chỉ đạt 44,08%, công tác xử lý tham nhũng chỉ đáp ứng 41,6% so với yêu cầu.

Một điểm đáng lưu ý là nội dung xác minh tài sản thu nhập thường không đạt điểm và việc phát hiện ra trường hợp kê khai không trung thực là không có. Theo báo cáo, trên cả nước tỷ lệ xác minh thu nhập với tổng số bản kê khai trong nước là 0,057%, tức là 10.000 người thực hiện kê khai chỉ có một người được xác minh tài sản thu nhập. Theo lý giải của UBND các tỉnh, việc xác minh tài sản chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm, chỉ một số ít bị phản ánh không trung thực trong quá trình kê khai nên mới yêu cầu phải xác minh. Điều này cho thấy, việc triển khai công tác xác minh còn bị động, thiếu thống nhất, khiến công tác phòng, chống tham nhũng Việt Nam chưa thực sự đạt hiệu quả.

Tại Hội nghị, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng, UBND các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đoàn thể ở địa phương như Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về biểu hiện, tác hại của tham nhũng đối với phát triển kinh tế - xã hội… Đặc biệt, công tác phát hiện xử lý hành vi tham nhũng cần tăng cường, trong đó chú trọng việc kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm; triển khai nhiều kênh để tiếp nhận thông tin về tham nhũng, nhất là đơn thư tố cáo và thông tin của dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Đỗ Bình