Ngày 12/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Quản trị xã hội (Censogor) với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam thông qua hành động tập thể”.

Hình ảnh liêm chính của DN có xu hướng giảm

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện đã có nhiều DN tham gia phòng, chống tham nhũng ở phạm vi nội bộ DN như qua các chương trình kiểm soát nội bộ và tuân thủ.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức Censogor, “DN cần làm nhiều hơn nữa để cùng thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính”.

“DN đóng vai trò “mắt xích kép”, vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân gây ra tham nhũng”, bà Viễn nói và dẫn ví dụ theo Chỉ số PCI 2016, 66% DN đã trả chi phí không chính thức, 59% DN FDI phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục hải quan.

Khảo sát của VCCI cho thấy, 65% DN thừa nhận khu vực tư nhân góp phần vào tình trạng tham nhũng và có đến 80% DN tin rằng tham nhũng ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của DN.

Trong khi đó, theo số liệu của Dự án Sáng kiến Xây dựng tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ kinh doanh tại Việt Nam, có đến 61,5% DN có hành vi biếu tiền và hầu như tất cả các DN đều có “lại quả” cho đối tác.

Vì thế, hình ảnh liêm chính của DN có xu hướng giảm theo nhận định của người dân.

Bà Viễn cho biết, năm 2016 khảo sát của Censogor cho thấy, 38% người dân (tỷ lệ này tăng lên 5% so với năm 2013 là 33%) đánh giá lãnh đạo DN thuộc top 3 nhóm có mức độ tham nhũng nhất tại Việt Nam.

Còn ở góc nhìn của DN, tham nhũng làm xói mòn tinh thần kinh doanh liêm chính, khởi nghiệp sáng tạo, cản trở cạnh tranh lành mạnh và suy giảm chất lượng của nền kinh tế thị trường.

Đặc biệt, tham nhũng tạo ra các luồng tiền bất hợp pháp dưới hình thức các khoản trốn thuế, hối lộ và rửa tiền…

“Để có Chính phủ liêm chính thì DN cũng phải liêm chính”

Các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam gần đây đã chỉ ra rằng, áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng trong kinh doanh giúp mang lại lợi ích cho DN như tăng doanh thu, thu hút khách hàng, giảm chi phí vận hành và vốn, giảm thiểu rủi ro.

Chính vì vậy, Chính phủ đã, đang khuyến khích DN áp dụng các biện pháp phòng, chống, tham nhũng nội bộ cũng như phối hợp với cộng đồng DN và các cơ quan chức năng cùng hành động để đẩy mạnh hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TN

Tuy nhiên, một số lượng lớn các công ty vẫn hoài nghi về kết quả thực sự của việc thực hiện các biện pháp này do thiếu bằng chứng thực tế về chi phí và lợi ích của việc áp dụng chương trình phòng, chống tham nhũng cho DN đang hoạt động tại Việt Nam và thiếu các hướng dẫn thực hành để áp dụng hiệu quả những biện pháp được cho là khả thi.

Để “đối phó với một rừng luật còn nhiều chồng chéo và những “gợi ý” của cán bộ, DN thà đưa phong bì cho xong để làm việc khác hơn là thực hiện liêm chính”, đại diện một DN nói tại hội thảo.

Chia sẻ những phản ánh về thực tế “dùng phong bì để giải quyết công việc” của nhiều DN, song ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng, “DN không nên chấp nhận đưa phong bì để giải quyết việc”.

Theo ông Vinh, trong 4 năm liên tiếp (năm 2014 - 2017) Chính phủ đã ban hành 4 Nghị quyết 19. Các Nghị quyết này luôn yêu cầu “gay gắt” cải cách thủ tục hành chính về thuế và hải quan để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch.

“Để có Chính phủ liêm chính thì DN cũng phải liêm chính”, ông Vinh nhấn mạnh.

“Hoạt động tập thể” để có tiếng nói mạnh hơn

Censogor cũng cho rằng, để tích cực, chủ động tham gia phòng, chống tham nhũng, DN cần triển khai các biện pháp ở cả 3 cấp độ: Trong nội bộ DN, với các đối tác kinh doanh và tham gia các hành động tập thể.

Theo đó, DN cần phòng, chống hối lộ và “lại quả” trong công tác mua sắm đầu vào cho hoạt động kinh doanh. Bảo đảm vận hành hiệu quả kênh tố cáo vi phạm, tham nhũng của DN để tiếp nhận tố cáo (kể cả ẩn danh) để làm cơ sở tăng cường giám sát thực thi liêm chính.

Đặc biệt, DN cần tham gia các hoạt động tập thể của hiệp hội, câu lạc bộ, nhóm DN để thúc đẩy và chia sẻ các chuẩn mực và thông lệ tốt về liêm chính trong kinh doanh, bảo vệ những DN là nạn nhân của tham nhũng, tố cáo những DN sử dụng tham nhũng để trục lợi và gây tổn hại đến DN khác…

Bà Rachel Chow, Liên minh Liêm chính DN Malaysia lưu ý thêm, các DN cần có “hoạt động tập thể” để có tiếng nói mạnh hơn, có sức ảnh hưởng hơn, đòi hỏi các cơ quan Nhà nước để ý và “nghe lời” trong giải quyết các yêu cầu của DN theo đúng pháp luật.

Còn ở Philippines, các DN sẽ từ chối hối lộ cán bộ công quyền với lý do “đã ký cam kết liêm chính” và nhận thức rõ nếu hối lộ thì sẽ thiệt thòi nhiều hơn.

Tuy nhiên, ông Peter Angelo Perfecto, Phó Chủ tịch phụ trách Hoạt động, sáng kiến liêm chính Philippines cũng thừa nhận, xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính “là con đường dài vì tham nhũng đã ăn vào máu và thành văn hóa trong hoạt động DN nên cần rất nhiều cố gắng”.

 Thảo Nguyên