Vấn nạn gỗ lậu

Báo cáo phân thích thông tin từ hơn 1.300 bài báo đăng tải trên 4 báo điện tử và 7 trang điện tử của các nhà báo lớn ở Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2013. Bên cạnh đó, báo cáo còn dựa vào nguồn thông tin thu thập thông qua phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm với một số nhà báo, nhà quản lý và một số cơ quan đối tác làm việc trực tiếp với các cơ quan báo chí.

Ba nhóm nguyên nhân được các bài báo đề cập nhiều gồm: Cán bộ quản lý và nhiều thành phần xã hội khác; thể chế chính sách và nhu cầu thị trường, theo báo cáo đã dẫn.

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gỗ lậu được các bài báo đề cập nhiều nhất đó là do cán bộ địa phương, chủ yếu là lực lượng kiểm lâm, các ban quản lý dự án rừng thiếu năng lực, nguồn lực, tắc trách và tham nhũng. Trong số 362 bài báo có đề cập đến việc cán bộ liên quan đến gỗ lậu, có đến 43% số bài đề cập đến tình trạng tham nhũng của cán bộ địa phương, 37% số bài đề cập đến việc nhóm này không làm tròn trách nhiệm được giao; khoảng 20% số bài đề cập đến hạn chế và số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ địa phương do thiếu kinh phí, nhân lực trong khi diện tích rừng được giao quá lớn”, nhóm chuyên gia thuộc Forest Trends phối hợp với Pan Nature đánh giá.

Trong 142 bài báo đề cập nguyên nhân do thể chế chính sách, có đến 33% bài đề cập vấn đề chính sách không hợp lý như tình trạng chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, giao rừng cho các cơ quan cấp địa phương quản lý nhưng không có kinh phí bảo vệ rừng. Khoảng 38% bài báo đề cập vấn đề lỏng lẻo trong khâu giám sát thực thi chính sách chiếm 18% phản ánh thiếu hoặc không có sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn gỗ lậu; 11% bàn về các nguyên nhân khác như thiếu công cụ hỗ trợ, các hình thức xử phạt chưa nghiêm, chưa dứt điểm, không đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng gỗ lậu.

Cần chính sách mua sắm công

Theo Tổ chức Forest Trends, trong khi Việt Nam đã có chính sách quy định thế nào là một sản phẩm gỗ hợp pháp, vẫn có một số bằng chứng cho thấy việc tuân thủ chính sách này trong một số cơ quan khi mua sắm các sản phẩm gỗ chưa được thực hiện nghiêm túc.

Trên thế giới, từ năm 2008 đã có 9 quốc gia ban hành chính sách mua sắm công gỗ và sản phẩm gỗ. Tính đến năm 2016, ít nhất 33 quốc gia, trong đó 22 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU), bao gồm cả các quốc gia đang xây dựng chính sách, có chính sách mua sắm công gỗ và sản phẩm gỗ. Hầu hết các quốc gia hướng tới mua sắm gỗ và sản phẩm gỗ bền vững và hợp pháp. Xu thế chung về chính sách mua sắm công của các nước đối với sản phẩm gỗ là hướng đến sản phẩm gỗ hợp pháp, thân thiện về môi trường và xã hội.

Theo các chuyên gia quốc tế, chính sách mua sắm công phản ánh hiệu quả hoạt động của Chính phủ và tính liêm chính của Chính phủ. Chính sách mua sắm công còn góp phần quản lý ngân sách hiệu quả, phòng chống tham nhũng. Do đó, một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng gỗ lậu đó là cần có chính sách mua sắm công với sản phẩm này.

Tràng An