Phải đưa tỷ lệ cán bộ vòi vĩnh, đòi DN hối lộ xuống 5%

Để đạt 1 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đất nước thì đến năm 2030, Việt Nam phải giảm đáng kể mọi loại hình tham nhũng, hối lộ. 

Cụ thể, phải đưa tỷ lệ cán bộ, công chức có hành vi vòi vĩnh, đòi hối lộ khi giải quyết công việc của người dân xuống dưới 10% (hiện đang là 30%) và khi giải quyết công việc của DN xuống dưới 5% (hiện đang trên 20%).

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là thách thức không nhỏ đòi hỏi các cấp, ngành phải nỗ lực không ngừng trong thực hiện các chính sách về phòng, chống tham nhũng (PCTN) để dẹp cho được nạn nhũng nhiễu, tham nhũng “vặt”. 

Trong đó, cần chú trọng, tập trung nguồn lực trước hết vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực mà thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận như: thuế, hải quan, quản lý đất đai, quản lý môi trường, quản lý đầu tư, xây dựng, cấp giấy phép, cảnh sát giao thông, thanh tra chuyên ngành, dịch vụ hành chính công ở xã, phường, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, qua khảo sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại trên 9.000 DN trong năm 2018, có 18% DN phản ánh còn tình trạng bôi trơn, tham nhũng “vặt” trong lĩnh vực thuế, hải quan. 

"Bộ Tài chính coi kết quả này làm tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, điều chuyển cán bộ, xử lý trách nhiệm những đơn vị hải quan, thuế để DN, người dân kêu ca", ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.

6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã tổ chức 661 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ và đã chuyển 2 hồ sơ sang công an để điều tra đối với 8 cán bộ, công chức thuế, hải quan; xử lý hành chính 38 công chức. 

"Căn cứ vào phản ánh của DN, kết quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và kết quả kiểm tra công vụ, 6 tháng đầu năm 2019, chúng tôi đã chuyển đổi vị trí công tác gần 5.700 công chức, tập trung vào những địa bàn có dấu hiệu tham nhũng “vặt” theo phản ánh DN như TP Hải Phòng, Quảng Trị, Bình Phước...", Thứ trưởng Tuấn thông tin và cho biết, Bộ cũng đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng.

Cũng theo vị Thứ trưởng này, những tháng cuối năm, Bộ Tài chính tập trung 700 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan thuế, hải quan. Đồng thời, dự kiến điều chuyển, luân chuyển vị trí 6.200 cán bộ, công chức trong toàn ngành.

Xử nghiêm, công khai danh tính cán bộ sai phạm

Ở ngành Công an, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn cho biết, Bộ đã có nhiều biện pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc, đặc biệt là trong các lĩnh vực như: cấp phát chứng minh nhân dân; quản lý xuất nhập cảnh; kiểm soát giao thông; đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đăng ký, quản lý hộ khẩu, cư trú…

Cùng với đó, chú trọng thanh tra, kiểm tra, từ đó phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có sai phạm; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, góp phần chủ động phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng…

“Có rất nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng, biểu dương, nhiều tấm gương liêm khiết không nhận hối lộ, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an không ngại gian khó, hy sinh kể cả tính mạng của mình, mưu trí, dũng cảm, kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm và những hành vi vi phạm pháp luật. 

Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận nhỏ cán bộ, chiến sĩ công an có những biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, tha hóa, biến chất, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh lực lượng Công an nhân dân”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cho hay.

Vì vậy, Bộ Công an đã ban hành các quy trình, quy định chặt chẽ trong từng lĩnh vực công tác, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm; tổ chức rà soát, bố trí, sắp xếp cán bộ, chiến sĩ đảm bảo đúng điều kiện, tiêu chuẩn quy định trong thực thi nhiệm vụ. 

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, Bộ sẽ nghiêm túc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, nhũng nhiễu gây phiền hà của cán bộ, chiến sĩ công an trong khi giải quyết công việc của người dân, DN. 

Cùng với đó, kiên quyết xử lý theo đúng quy định đối với cán bộ, chiến sĩ công an có sai phạm. “Công khai danh tính cán bộ, chiến sĩ và đơn vị có cán bộ, chiến sĩ sai phạm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật cả trường hợp đưa hối lộ cán bộ công an nhằm thực hiện công việc có lợi cho cá nhân và DN”, Thứ trưởng Công an thông tin.

Bộ Công an cũng chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, tập trung vào những lĩnh vực công tác công an có nhiều dư luận phản ánh sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ, nhiều đơn thư tố cáo về tham nhũng và hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc.

Không được lợi dụng chuyển đổi vị trí công tác để trù dập cán bộ

Từ ngày 1/7/2019,Luật PCTN (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành. Theo quy định của Luật, cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền có trách nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị và phải được thực hiện theo kế hoạch, công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

“Không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức”, Khoản 3, Điều 24 Luật PCTN (sửa đổi) quy định rõ.

Cũng theo quy định của Luật, người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác phải được chuyển đổi vị trí công tác. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 2 năm đến 5 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.


Thảo Nguyên