Trong ba ngày từ 12-14/2, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 5 bị cáo trong vụ án nhiều công ty câu kết lập hồ sơ khống để vay vốn và chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng của Ngân hàng Agribank Nam Hà Nội và Ngân hàng Vietinbank Đông Hà Nội.

Theo quy định tại Điều 174 - Bộ luật Hình sự năm 2015, Tòa đã tuyên phạt 5 bị cáo gồm:

Nguyễn Duy Xuyên (sinh năm 1955, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên cơ khí Quang Trung, kiêm Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh Xuất nhập khẩu tổng hợp) 18 năm tù.

Thân Thị Nhậm (sinh năm 1955, vợ bị cáo Xuyên, Giám đốc Công ty cổ phần thép Hà Nội) 9 năm tù.

Bùi Thị Ngọc Lan (sinh năm 1960, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thép Hà Nội) và Nguyễn Văn Vương (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất xuất nhập khẩu thép Đông Á) đều bị phạt 8 năm tù.

Tăng Thị Thanh Hà (sinh năm 1957, nguyên Kế toán trưởng Công ty Quang Trung) bị phạt 30 tháng tù giam về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Riêng bị cáo Nguyễn Duy Xuyên bị phạt thêm 6 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 267, Khoản 1 - Bộ luật Hình sự năm 1999. Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Xuyên là 18 năm 6 tháng tù.

Ngoài án phạt tù, hai vợ chồng bị cáo Xuyên và Nhậm còn bị tuyên buộc phải chịu trách nhiệm bồi thường cho hai ngân hàng nói trên số tiền gốc hơn 49 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, ngày 12/11/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội nhận được công văn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên cơ khí Quang Trung (viết tắt là Công ty Quang Trung) tố giác Nguyễn Duy Xuyên (Phó Tổng Giám đốc Công ty Quang Trung, kiêm Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh Xuất nhập khẩu tổng hợp - viết tắt là Xí nghiệp tổng hợp) có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý kinh tế gây thất thoát tài sản của Công ty hơn 78 tỷ đồng.

Qua điều tra đã xác định trong thời gian từ tháng 5-6/2011, Nguyễn Duy Xuyên đã sử dụng hai giấy ủy quyền của ông Nguyễn Thế Phương (Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quang Trung) ủy quyền cho Xuyên (với tư cách là Phó Tổng Giám đốc Công ty, kiêm Giám đốc Xí nghiệp tổng hợp) để lập hồ sơ vay vốn của hai ngân hàng rồi chiếm đoạt tiền vay.

Cụ thể, tháng 5/2011, Xuyên lập hồ sơ đề nghị Ngân hàng Agribank Nam Hà Nội cho Xí nghiệp tổng hợp vay tiền có tài sản đảm bảo.

Sau khi ngân hàng thẩm định hồ sơ đã ký hợp đồng tín dụng cho vay số tài sản đảm bảo, hạn mức tín dụng 25 tỷ đồng. Xuyên đã nộp vào ngân hàng các hồ sơ Xí nghiệp tổng hợp mua bán hàng hóa với các đơn vị khác đề nghị giải ngân cho vay, trong đó có 14 hồ sơ mua bán phôi thép khống, xoay vòng giữa Xí nghiệp tổng hợp, Công ty cổ phần thép Hà Nội (viết tắt là Công ty thép Hà Nội) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất xuất nhập khẩu thép Đông Á (viết tắt là Công ty Đông Á).

Các giấy tờ này do Nguyễn Duy Xuyên, Thân Thị Nhậm, Bùi Thị Ngọc Lan, Nguyễn Văn Vương lập. Ngân hàng giải ngân cho Xí nghiệp tổng hợp vay để trả tiền cho Công ty Đông Á hơn 21 tỷ đồng.

Sau đó, Vương lại ký các ủy nhiệm chi chuyển tiền vào tài khoản của Công ty thép Hà Nội và Nhậm lại ký các ủy nhiệm chi chuyển tiền này vào tài khoản của Xí nghiệp tổng hợp để Xuyên chiếm đoạt. Tổng số tiền Agribank Nam Hà Nội giải ngân cho Xí nghiệp tổng hợp vay là hơn 51 tỷ đồng.

Xuyên đã thanh toán trả ngân hàng số tiền gốc và tiền lãi là hơn 29 tỷ đồng, trong đó tiền gốc là hơn 26 tỷ đồng. Sau đó, Xuyên bán hết tài sản đảm bảo. Số tiền còn lại Xuyên chiếm đoạt là gần 25 tỷ đồng, trong đó có số tiền của 14 hồ sơ khống nêu trên là hơn 21 tỷ đồng.

Vì vậy, hành vi nêu trên của Xuyên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Agribank Nam Hà Nội gần 25 tỷ đồng. Nhậm, Lan, Vương đồng phạm với Xuyên lừa đảo chiếm đoạt hơn 21 tỷ đồng.

Tiếp đó, tháng 6/2011, Xuyên dùng báo cáo tài chính giả năm 2010 của Công ty Quang Trung (ghi ngày 12/3/2011) do Duyên và Tăng Thị Thanh Hà ký và báo cáo kiểm toán của Công ty Kiểm toán S&S cho năm tài chính 2010 của Công ty Quang Trung (ghi ngày 12/3/2011) do Xuyên thuê làm giả để lập hồ sơ vay vốn của Ngân hàng Vietinbank Đông Hà Nội mà không có tài sản đảm bảo phục vụ kế hoạch sản xuất năm 2011 của Công ty Quang Trung.

Ngân hàng đã thẩm định và ký hợp đồng tín dụng, cho Công ty Quang Trung vay không có tài sản đảm bảo hạn mức 25 tỷ đồng. Sau đó Xuyên nộp vào ngân hàng hồ sơ Xí nghiệp tổng hợp mua hàng của các đơn vị khác để đề nghị giải ngân cho vay trong đó có 11 hồ sơ mua bán khống, xoay vòng giữa Xí nghiệp tổng hợp, Công ty Thép Hà Nội và Công ty Đông Á.

Ngân hàng Vietinbank Đông Hà Nội đã giải ngân cho vay hơn 59 tỷ đồng. Xuyên đã thanh toán trả ngân hàng hơn 34 tỷ đồng, còn lại chiếm đoạt hơn 24 tỷ đồng. Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt của hai ngân hàng là hơn 49 tỷ đồng.

Hai ngân hàng trên đề nghị các bị cáo và Công ty Quang Trung phải liên đới bồi thường số tiền đã chiếm đoạt. Bị cáo Thân Thị Nhậm đã thế chấp Dự án Nhà máy thép Đông Á để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo Xuyên và đồng phạm gây ra.

Tại phiên tòa, bị cáo Xuyên chỉ thừa nhận hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” mà không thừa nhận hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Bị cáo Xuyên cho rằng trong vụ án này chỉ có bị cáo sai, các bị cáo khác không liên quan, đồng thời mong Tòa xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo Hà thừa nhận hành vi vi phạm, nhưng cho rằng việc bị cáo ký các chứng từ là theo yêu cầu của bị cáo Xuyên mà không kiểm tra lại, nên đề nghị Hội đồng xem xét về hành vi giúp sức của bị cáo.

Ba bị cáo còn lại mặc dù đều khai là đã thực hiện hành vi như cáo trạng nêu, nhưng không thừa nhận hành vi đó là phạm tội./.

Theo Kim Anh/TTXVN