Triển khai đánh giá thực thi UNCAC

Báo cáo tại buổi làm việc, quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Hữu Lộc cho hay, những tháng đầu năm, vụ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần duy trì, củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa TTCP với các đối tác trong và ngoài nước.

Những tháng cuối năm, TTCP dự kiến tổ chức 6 đoàn ra; cử 6 đoàn đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài; đón tiếp và làm việc với 12 đoàn vào. Cùng với đó, tổ chức cho 5 cán bộ TTCP Lào tham gia khóa đào tạo và mở khóa đào tạo cho 25 cán bộ Thanh tra Campuchia tại Trường Cán bộ thanh tra theo thỏa thuận hợp tác.

Trong hợp tác đa phương, TTCP sẽ trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Đăng cai tổ chức các sự kiện trong khuôn khổ Thỏa thuận Hợp tác của Nhóm các cơ quan chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á (SEA-PAC) lần thứ 15.  Hoàn thành việc xây dựng Báo cáo Quốc gia về tự đánh giá việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) của Việt Nam, triển khai các hoạt động phục vụ quá trình đánh giá.

TTCP cũng hoàn thành việc xây dựng Báo cáo Đánh giá việc thực thi UNCAC đối với quốc đảo Sô-lô-môn; hỗ trợ nhóm chuyên gia của Việt Nam triển khai các hoạt động đánh giá việc thực thi UNCAC của Cộng hòa Dân chủ Công gô…

“Vụ Hợp tác Quốc tế tiếp tục phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch”, ông Lộc nói và kiến nghị, tạo điều kiện cho cán bộ vụ được trực tiếp tham gia các hoạt động nghiệp vụ về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN.

Tránh đi học tập kinh nghiệm về chỉ để… “ngăn kéo”

Đồng tình với báo cáo, ông Hoàng Thái Dương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ nhận định, trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng, toàn diện, để nâng cao vị thế, năng lực của TTCP với các đối tác, vai trò của Vụ Hợp tác Quốc tế rất quan trọng. Thời gian qua, Vụ Hợp tác Quốc tế đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, yêu cầu của Tổng Thanh tra.

Tuy nhiên, theo ông Dương, việc cử đoàn đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài cần chú trọng chất lượng, nhất là việc lựa chọn cán bộ cử đi học, tránh tính trạng được đi đào tạo kinh nghiệm về chỉ để “ngăn kéo”, không thể chế hóa được trên thực tế.

Cũng đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho rằng, trong công tác đào tạo, cử ai đi học tập kinh nghiệm nước ngoài và học trong thời gian bao lâu, học ở nước nào cần phải tính toán cho phù hợp, vì nhiệm vụ đột xuất rất nhiều.

“Nếu có kế hoạch tổng thể sẽ chủ động, đánh giá đầy đủ hơn, việc đào tạo cán bộ sẽ tốt hơn. Làm cái gì cũng phải có kế hoạch, định hướng, nếu không sẽ không biết đi đâu, về đâu”, Tổng Thanh tra nêu rõ, làm bài bản, vừa tạo đồng thuận cao, vừa đạt hiệu quả cao hơn.

Nhấn mạnh công tác PCTN được Đảng, Nhà nước, nhân dân hết sức quan tâm, theo Tổng Thanh tra, học tập kinh nghiệm của các nước về công tác này phải trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Ông dẫn ví dụ, Singapore là một trong những nước PCTN thành công. Họ có hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập rất bài bản, thiếu cơ chế gì họ chỉ cần bổ sung sẽ thành công. Nhưng Việt Nam vẫn sử dụng tiền mặt, có bao nhiêu tiền mặt cũng tiêu được nên không thể áp dụng hoàn toàn kinh nghiệm Singapore.

“Học tập kinh nghiệm của Singapore, chúng ta có thể đề nghị Chính phủ làm sao có đề án kiểm soát tài sản, thu nhập và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân”, Tổng Thanh tra nói.

“Người dân ủng hộ, cái gì cũng làm được”

Theo Tổng Thanh tra, cần tiếp tục mở rộng hợp tác đa phương, học tập quốc tế để thu được kinh nghiệm PCTN hiệu quả, phù hợp với Việt Nam.

“Từ đó đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội những cơ chế, chính sách để làm sao đẩy mạnh công tác PCTN. Làm tốt công tác này sẽ được người dân ủng hộ, mà người dân ủng hộ thì cái gì cũng làm được”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lê Minh Khái, hiện TTCP đang giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi), trong đó có 2 vấn đề mới là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không kê khai; tài sản, thu nhập biến động mà không được giải trình một cách hợp lý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến Dự án Luật này trong phiên họp tháng 4. Trong hồ sơ dự án, TTCP đã hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động, tuy nhiên báo cáo kinh nghiệm quốc tế hiện chưa đầy đủ.

“Vụ phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế để xây dựng báo cáo đánh giá kinh nghiệm quốc tế về việc xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc”, ông Lê Minh Khái yêu cầu, xử lý tài sản thu nhập là vấn đề rất khó. Các báo cáo phải được xây dựng đầy đủ, chặt chẽ.

Tổng Thanh tra cũng lưu ý, thời gian tới, đoàn vào, đoàn ra tương đối “dày đặc”, nhiệm vụ trong lĩnh vực hợp tác quốc tế rất nhiều. Cho nên, vụ cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đoàn kết để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chọn lãnh đạo phòng phải có năng lực, uy tín

Vụ Hợp tác Quốc tế hiện có 3 phòng. Theo Nghị định 50 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTCP, từ ngày 29/5, vụ này sẽ được tổ chức lại chỉ còn 2 phòng.

Ông Lộc cho hay, hiện vụ mới chỉ có 1 trưởng phòng, 1 phó phòng. Khi tổ chức lại, vụ vẫn thiếu lãnh đạo cấp phòng. “Đề nghị Tổng Thanh tra quan tâm kiện toàn lãnh đạo cấp phòng”, ông Lộc nói.

Đồng ý với kiến nghị của Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng Thanh tra lưu ý, việc lựa chọn lãnh đạo cấp phòng phải là người có uy tín, có năng lực, đúng luật, công khai, minh bạch, dân chủ. Trên cơ sở đề nghị từ cấp vụ, Ban Cán sự Đảng sẽ quyết định.

Tới đây, thực hiện Nghị định 50, Tổng TTCP sẽ quyết định cơ cấu tổ chức vụ, sau đó kiện toàn lãnh đạo cấp phòng.


Hương Giang