Có chuyện bố/mẹ, con cán bộ bỗng dưng có tài sản “khủng”

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, quy định về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập còn nhiều ý kiến khác nhau.

Song để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu PCTN trong tình hình hiện nay, UBTVQH đề nghị, giữ quy định mở rộng phạm vi đối tượng nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.

Theo đó, tất cả cán bộ, công chức; sỹ quan quân đội, công an; người giữ chức Phó trưởng phòng và tương đương trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp (DN) Nhà nước (NN), người được cử làm đại diện phần vốn NN, người giữ chức danh quản lý từ Phó trưởng phòng trở lên trong DNNN; người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND đều thuộc diện phải kê khai.

Dự thảo luật cũng quy định rõ, những đối tượng trên có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ/chồng và con chưa thành niên.

Nhấn mạnh đây là “mấu chốt” để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, nhưng ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, vẫn “chưa thực sự xoáy vào tảng băng chìm, hang ổ tham nhũng, tài sản tham nhũng. Và nhân dân vẫn hoài nghi, tâm tư về tiến trình diệt giặc nội xâm này”.

Theo ĐBQH đoàn Gia Lai, cử tri phản ánh, ở địa phương có chuyện, bố, mẹ, ông, bà của cán bộ, “thái tử, phò mã, cậu ấm, cô chiêu” sở hữu nhiều dự án, tài sản “khủng”, biệt phủ xe sang… Các vụ án tham nhũng đã và đang xét xử cũng cho thấy, nhiều tài sản tham nhũng được tẩu tán cho bố, mẹ người thân đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh… 

“Tài sản tham nhũng không tự nhiên mất đi mà chuyển từ người này sang người khác, dạng này sang dạng khác, biến hóa ẩn mình như ma trận, sân trước, sân sau, doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia nhằm hợp lý hóa, rửa tiền…”, ông Vượt đề nghị, ông/bà, cha/mẹ, vợ/chồng, con ruột của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập cũng phải kê khai.

Theo ĐB Vượt, “nếu lo ngại quyền này quyền kia của công dân, rồi cho rằng con đã thành niên thì tự chịu trách nhiệm, hay luật này, luật kia đã quy định rồi thì không đánh vào gốc rễ của tham nhũng được”.

ĐB Phan Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, cán bộ giữ các chức vụ, vị trí dễ phát sinh tham nhũng thì phải kê khai tài sản, thu nhập của cha/me, con thành niên.

“Chúng ta nói thu hồi tài sản tham nhũng nhưng thu hồi được mười mấy, hai mươi phần trăm thôi, thất thoát rất lớn. Trong khi, thân nhân của cán bộ lại có tài sản kếch xù mà chúng ta không thu hồi được vì họ đã đăng ký hết rồi từ đất đai, nhà cửa. Nên cán bộ bị tù thì không có gì để thu hồi cả”, ông Hòa phát biểu.

ĐB Phan Văn Hòa (Đồng Tháp)

 

Lo ngại còn “kẽ hở” để chuyển tài sản tham nhũng cho người thân

Theo ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), nếu không kê khai tài sản của bố/mẹ, con thành niên thì đây là “kẽ hở” để kẻ tham nhũng chuyển tài sản cho người thân.

“Thực tiễn, có cô gái trẻ, công tác bình thường, nhà nghèo nhưng có khối tài sản to lớn. Không ai biết khối tài sản to lớn ấy có nguồn gốc từ đâu. Cơ quan chức năng bó tay”.

ĐB Diến đề nghị, khi kê khai tài sản lần đầu phải kê khai của cả bố/mẹ, con thành niên. Sau này nếu có bất thường về tài sản, cơ quan chức năng yêu cầu giải trình làm rõ, nhất là khi bầu, bổ nhiệm vào chức danh cao hơn.

Tranh luận lại, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nói, rất băn khoăn nếu quy định kê khai tài sản, thu nhập của bố/mẹ, con thành niên vì có khả thi không? Có phù hợp với quy định của pháp luật không?

“Quy định kê khai tài sản thu nhập lần đầu phải kê khai cả bố/mẹ, con thành niên, thì năm tiếp theo có kê khai không? Khi có biến động, các đối tượng này có kê khai không? Bố mẹ ở quê, con cái đi công tác thì làm sao biết tài sản tăng thêm hay giảm đi? Đặc biệt, trong trường hợp cơ quan kiểm soát phát hiện kê khai không trung thực khởi kiện ra Tòa thì có thu hồi được tài sản của những người này hay không?”, ông Sinh đặt một loạt câu hỏi.

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình)

 

Theo ông Sinh, kê khai không trung thực là kê khai tài sản do anh sở hữu thôi, chứ không phải kê khai tài sản của con thành niên, của bố/mẹ ở quê. Và kiện ra tòa để thu hồi tài sản của con thành niên, của bố/mẹ mà không phải là công chức thì không đúng quy định của Hiến pháp.

“Thực trạng ĐB nêu có ông con chưa làm gì cả mà sở hữu khối tài sản khổng lồ là có. Nhưng mở rộng thì tính khả thi của luật có không? Luật làm ra mà không có tính khả thi thì rơi vào hình thức”, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu. Ngoài ra, theo ĐB, nếu chiếu theo Bộ Luật Dân sự, hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai vào diện kê khai thì “vô chứng lắm, quá rộng”.

Tránh chuyện “cấp dưới kiểm soát tài sản của cấp trên”

Một vấn đề nữa, dự thảo quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng giao Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương.

Các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.

ĐBQH Vượt nhận định, còn quá nhiều cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nên sẽ không có chuyển biến. “Chúng ta đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 nhưng tính toán để hình thành cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập độc lập như một số nước mà không tăng biên chế là hoàn toàn có thể được”, ĐB Vượt đề xuất.

Theo ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh, quy định như dự thảo là chấp nhận được. “Tôi cho rằng không nên đặt vấn đề chuyên trách hay thanh tra mà ở đây là làm sao thiết kế để cơ quan được giao kiểm soát tài sản, thu nhập đủ thẩm quyền, không lệ thuộc, phụ thuộc”, ông Sinh tranh luận.

ĐB dẫn ví dụ, giao Ban Công tác ĐB kiểm soát tài sản, thu nhập của ĐBQH chuyên trách, nhưng Ban này làm sao kiểm soát tài sản, thu nhập của các Ủy viên TVQH được. Cho nên, phải xác định cơ quan đủ thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, tránh trường hợp “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

“Cấp dưới lại kiểm soát tài sản của cấp trên thì không phù hợp”, ông Sinh nhấn mạnh và lưu ý thêm, quy định về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải hoàn chỉnh thêm để khi kiện ra tòa độc lập giữa 1 bên cho rằng tài sản hợp pháp, 1 bên cho rằng không hợp pháp, quan tòa đứng giữa thì mới có thể xử lý được.

Về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, dự thảo luật đưa ra 2 phương án gồm: thu thuế và xem xét, giải quyết tại tòa.

Tại hội nghị, nhiều ĐBQH bày tỏ quan điểm tán thành với phương án khởi kiện ra tòa. Theo ĐBQH Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), tòa án xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục chặt chẽ sẽ bảo đảm khách quan, công lý, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

“Nếu xử phạt hành chính hay thu thuế thu nhập cá nhân, vô tình chúng ta sẽ hợp thức hoá tài sản thu nhập có được do vi phạm pháp luật. Còn xử lý không bảo đảm khách quan, chủ quan, duy ý chí sẽ làm ảnh hưởng đến quyền về tài sản của công dân”, ĐB Trang nêu.

Đồng ý điểm, theo ĐB Vượt, thu thuế thì vô hình chung Nhà nước công nhận tài sản bất minh, tạo cơ sở cho rửa tiền, dung túng cho tham nhũng có đất sống và nhân dân sẽ không đồng tình.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Thúy Hiền cũng nhấn mạnh, giải quyết bằng con đường tòa án có tranh tụng, có sự tham gia của luật sư sẽ bảo đảm minh bạch, công khai, khách quan. Đây cũng là hình thức xử lý theo thông lệ của nhiều nước.

Với phương án này, UBTVQH sẽ ban hành Pháp lệnh quy định về trình tự, thủ tục giải quyết cũng như việc thi hành để bảm đảm phán quyết của tòa án được thi hành.


Hương Giang