Cách đây vài năm, theo làn sóng khởi nghiệp cafe rầm rộ lúc đó, tôi và một vài người bạn có mở một quán nhỏ tại một khu phố đông đúc ở Cầu Giấy, Hà Nội. Quán khai trương ổn thỏa được vài hôm, thì đến ngày thứ ba, công an khu vực đến và yêu cầu kiểm tra đủ các thể loại giấy tờ. Mọi việc có lẽ sẽ không có gì, nếu như việc kiểm tra được thực hiện liên tục sau đó, đi kèm với những lời đe dọa xử phạt và thậm chí là đóng cửa quán. "Khủng hoảng" chỉ được giải quyết khi chúng tôi nghe theo lời gợi ý của quán ăn hàng xóm, rằng việc này không phong bì thì không xong.

Có lẽ những ai đã từng "khởi nghiệp" như chúng tôi, từ các cửa hàng ăn, uống nhỏ cho đến các doanh nghiệp kinh doanh đều có những trải nghiệm riêng trong việc tiếp xúc với các đại diện công quyền. Khó có hộ kinh doanh nhỏ nào dám từ chối những khoản phí kiểu vậy, bởi dẫu bạn có chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, thì vẫn có những cách gây sức ép. Khách hàng của bạn sẽ nghĩ sao nếu thấy công an thường xuyên kiểm tra hành chính? Hay chiếc xe dẹp trật tự của phường sẽ đỗ ngay trước cửa trong một thời gian dài? Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, họ vẫn thường rỉ tai nhau như vậy.

Trải nghiệm có thể khác nhau, nhưng thông điệp chính dường như là khá tương đồng: theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2016 của Việt Nam xếp hạng 113/176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù đây là cải thiện lớn so với bị trí 123 vào năm 2012, chỉ số này cho thấy mức độ bi quan của doanh nghiệp và người dân vào tính liêm chính của bộ máy công quyền. Thậm chí theo xếp hạng mới nhất (2018) của tổ chức Heritage về tự do kinh tế, Việt Nam xếp thứ 141/180, thua cả các nước Lào và Cambodia, cũng như thấp hơn nhiều mức trung bình thế giới. 

Những thực tế đáng buồn đó giải thích phần nào cho lý do vì sao hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể của nước ta vẫn đang núp bóng trong khu vực kinh tế phi chính thức, mà không muốn đăng ký để trở thành doanh nghiệp. Nhiều trong số họ cho rằng trở thành doanh nghiệp khiến mình dễ trở thành "mục tiêu" rõ ràng hơn cho những khoản chi phí bôi trơn. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong năm 2016, trung bình có khoảng 66% doanh nghiệp tại một địa phương cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức. Trong đó, 9%-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ.  

Ngay trong khối doanh nghiệp FDI, có đến 45% doanh nghiệp thừa nhận đưa quà hoặc các khoản khác trong đợt thanh, kiểm tra trong năm 2016. Trong trường hợp đưa quà hay hối lộ, chỉ 8% doanh nghiệp cho biết bị cán bộ thanh, kiểm tra đòi hỏi. Tỉ lệ này nhỏ hơn 5 lần so với tỉ lệ doanh nghiệp chủ động đưa biếu (44%). 59% doanh nghiệp tin rằng hành vi này là phổ biến, “luật bất thành văn”, và chủ động đưa quà cáp dù không bị đòi hỏi.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là các hộ kinh doanh cá thể không phải tốn các khoản phí bôi trơn, như trường hợp quán cafe của tôi cho thấy. Nhưng với nhiều người, khoản chi phí này có thể chấp nhận được để công việc kinh doanh được yên ổn. Và trên thực tế, khoản "thu tô" mà họ phải nộp có thể đàm phán được nếu tình hình kinh doanh khó khăn. Trong khi nếu trở thành doanh nghiệp, chưa chắc họ đã được "miễn" các khoản phí phi chính thức, và còn bị ràng buộc vào hàng loạt các quy định liên quan đến thuế, lao động, kế toán,...vốn sẽ tốn nhiều chi phí hơn. Lúc đó, các hộ kinh doanh dễ bị rơi vào tình trạng "một cổ hai tròng".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng khi cho rằng nền kinh tế thiếu hiệu quả và ngân sách thất thu vì quy mô lớn của khu vực phi chính thức.  Nhưng muốn làm giảm quy mô của khu vực này, thu hút các hộ kinh doanh cá thể tham gia nền kinh tế chính thức, thì trách nhiệm chính không thuộc về họ, mà là của bộ máy công quyền. Nhiệm vụ tiên quyết là cắt đứt hệ thống thuế "phi chính thức": những khoản phí bôi trơn khổng lồ - đáng lẽ sẽ là nguồn thu thuế của nhà nước - lại chảy vào túi riêng của một bộ phận cán bộ thoái hoá biến chất.

Đó sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Bởi thực tế, việc xử lý những đại án tham nhũng sẽ dễ hơn nhiều so với "tham nhũng vặt", vốn diễn ra thường xuyên và được các bên ngầm chấp nhận. Trên thực tế, sẽ khó để biết được giữa "đại án tham nhũng" và "tham nhũng vặt", cái nào sẽ nguy hiểm hơn cho sự ổn định của bộ máy nhà nước. "Đại án" gây thất thoát số tiền rất lớn cho ngân sách, bóp méo các mối quan hệ kinh tế thị trường; trong khi "tham nhũng vặt" là những hành vi tác động trực tiếp đến lợi ích của người dân, làm gia tăng bất mãn với bộ máy nhà nước. Khi sự không hài lòng tích lũy đến một điểm nào đó, nó dễ tạo ra nguy cơ đàn kiến giết chết một con voi. 

Chính vì vậy, sự liêm chính và quyết liệt không thể chỉ dừng lại ở chính quyền trung ương, mà cần phải được lan tỏa xuống bộ máy hành chính các cấp thấp hơn. Khi những kênh trực tiếp làm việc với người dân trở nên liêm chính và minh bạch hơn, tham nhũng vặt được loại trừ, thì việc làm giảm quy mô khu vực kinh tế phi chính thức mới có thể thực hiện. Mục tiêu đó, theo tôi, quan trọng hơn nhiều so với mốc có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020.

Theo Nguyễn Khắc Giang/VNN

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/kinh-te-phi-chinh-thuc-va-tro-tham-nhung-vat-429455.html