Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, tính đến tháng 12/2016, cả nước có 66 dự án (DA) nạo vét ĐTNĐ được chấp thuận chủ trương cho Nhà đầu tư thực hiện. Trong đó, có 40 DA đã hoàn thành các thủ tục liên quan để triển khai thi công (trong đó có 1 DA đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng; 22 DA bị chấm dứt, thu hồi do đơn vị không chứng tỏ được năng lực hoàn thành các thủ tục để triển khai thi công dự án đã đăng ký; 3 DA chưa hoàn thành thủ tục liên quan để triển khai thi công; DA “Nạo vét duy tu luồng ĐTNĐ quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm luồng cửa sông Cổ Chiên đoạn từ Km0 + 000 đến Km31+100; Nhà đầu tư Công ty Cổ phần khai thác cảng” đã hoàn thành thủ tục nhưng chưa triển khai thi công, nguyên nhân chủ yếu là gặp sự phản đối của nhân dân địa phương nơi có DA đi qua.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý thì Cục ĐTNĐ đã thực hiện tốt các quy định về công tác quản lý chuyên ngành về việc triển khai các DA nạo vét tận thu sản phẩm, đã góp phần lớn trong việc huy động nguồn lực trong công tác khai thông luồng đường thủy góp phần đảm bảo giao thông đường thủy.

Công tác nạo vét duy tu luồng đảm bảo an toàn giao thông đường thủy hàng năm bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước là rất khó khăn, kinh phí phục vụ công tác bảo trì để thực hiện nạo vét bảo đảm giao thông không đáp ứng được các yêu cầu tại các vị trí luồng khan cạn, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông đường thủy cao.

Bên cạnh đó, xã hội hóa công tác bảo trì là một lĩnh vực mới nên các địa phương triển khai thực hiện đăng ký tận thu còn chưa thống nhất, việc đăng ký tận thu sản phẩm của nhà đầu tư chưa được thực hiện nên khó khăn trong trong quá trình triển khai DA. Thêm nữa, một số nhà đầu tư vì lợi ích cá nhân của doanh nghiệp đã triển khai thi công khi chưa đầy đủ các thủ tục, thi công sai vị trí, không đúng chuẩn tắc, gây sạt lở làm mất lòng tin của người dân ven hai bờ sông...

Theo Cục ĐTNĐ, để phòng, chống tham nhũng, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nạo vét ĐTNĐ cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong việc phân biệt chủ trương xã hội hóa nạo vét tận thu với nạn khai thác cát sỏi tràn lan hiện nay, để cả doanh nghiệp, người dân cùng hiểu rõ, đồng thuận thực hiện.

Đồng thời đẩy mạnh việc đổi mới, cải tiến phương thức điều hành và công tác tham mưu của các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu. Thực hiện việc luân chuyển vị trí công tác giữa các phòng ban, giảm thiểu phiền hà và thời gian triển khai dự án cho các doanh nghiệp. Đổi mới công nghệ quản lý, trong đó, các phương tiện tham gia thi công nạo vét các DA đều phải được đăng ký đăng kiểm đầy đủ, có lắp đặt hệ thống GPS kết nối với hệ thống thông tin điện tử của Cục ĐTNĐ để theo dõi giám sát đã giúp cho công tác giám sát đối với các DA đang triển khai, đồng thời chấn chỉnh những sai sót trong quá trình triển khai.

Đối với 40 DA đã hoàn thành thủ tục liên quan để triển khai thi công, phải tăng cường, giám sát chặt chẽ, đảm bảo các DA được cấp phép và triển khai thực hiện theo đúng các quy định. Các DA xã hội hóa nạo vét luồng ĐTNĐ quốc gia cũng cần thực hiện công khai, minh bạch ở các khâu để doanh nghiệp và người dân cùng tham gia giám sát việc triển khai thực hiện.

“Nhằm quản lý theo các quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến ĐTNĐ, Bộ Giao thông Vận tải cần nghiên cứu sửa đổi một số điều trong Thông tư số 69/2015/TT-BGTVT; Có văn bản đề nghị các địa phương kết hợp với Cục ĐTNĐ để sớm xây dựng quy chế phối hợp trong quá trình thực hiện các DA. Đồng thời, nghiên cứu soạn thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành quy định về nạo vét luồng ĐTNĐ, vùng nước cảng bến thủy nội địa kết hợp với tận thu sản phẩm trong năm 2017”, Cục ĐTNĐ đề xuất.

Hữu Oanh