Theo đó, Đoàn kiểm tra, giám sát sẽ làm việc tại tỉnh Bắc Kạn từ ngày 25/7 đến ngày 5/8; chia nhóm kiểm tra, giám sát tại các đơn vị chịu giám sát để tổng hợp báo cáo về Ban Chỉ đạo.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Uông Chu Lưu ghi nhận những kết quả của tỉnh Bắc Kạn trong công tác PCTN, tránh lãng phí. Đồng chí nhấn mạnh: Thông qua kiểm tra, giám sát để nắm tình hình, đánh giá vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và kết quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; trọng tâm là thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; góp phần “nhận diện” và xử lý các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; từ đó chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất, kiến nghị phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo. Việc kiểm tra, giám sát bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức; hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị được kiểm tra, giám sát.

Đồng chí Uông Chu Lưu nêu rõ nội dung kiểm tra, giám sát cần tập trung vào các vấn đề: Việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, nội dung về chống các biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống liên quan đến tiêu cực, tham nhũng; việc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”; công tác quán triệt, triển khai Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng" của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế của các đơn vị chức năng; công tác thi hành án phần thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; kết quả xử lý tổ chức, cá nhân sai phạm, có dấu hiệu tham nhũng qua công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng của Ủy ban Kiểm tra tỉnh... Các cơ quan, đơn vị thuộc diện được kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với đoàn công tác theo đúng mục đích, yêu cầu, chương trình đề ra. Việc kiểm tra, giám sát cần thực hiện công khai, minh bạch, công tâm.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất một số nội dung, phương pháp và kế hoạch kiểm tra, giám sát trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. 

Đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết: Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch kiểm tra, giám sát về công tác PCTN, lãng phí, thực hành tiết kiệm gắn với những việc làm cụ thể. Việc kiểm kê, kiểm soát, công khai tài sản được thực hiện nghiêm túc, niêm yết công khai. Công tác cán bộ được thực hiện đúng quy trình. Việc phê bình, tự phê bình, giám sát, kiểm tra của các cấp ủy Đảng được chú trọng. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã phát hiện và xử lý 29 vụ việc liên quan đến tham nhũng, lãng phí; xử lý, thu hồi hàng chục tỷ đồng, trên 20.000m2 đất và các tài sản khác… Tuy nhiên, tình hình tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân. Một số cấp ủy Đảng chưa quan tâm đến công tác PCTN, lãng phí. Việc PCTN, lãng phí còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả.

Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác PCTN, lãng phí, cần tăng cường vai trò của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu; tiếp tục triển khai, quán triệt kế hoạch giám sát, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân trong PCTN; kiện toàn bộ máy, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của HĐND các cấp về phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí…

Cùng ngày, Đoàn công tác số 8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang về kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. 

Tham gia Đoàn công tác có Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng đoàn công tác số 8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Bộ Công an. 

Đồng chí Lê Thị Nga phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Minh Tâm - TTXVN

 

Đồng chí Lê Thị Nga ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Hà Giang trong những năm qua và nhấn mạnh: Kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm là một trong những nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

5 năm qua, Ban Chỉ đạo đã thành lập 32 Đoàn kiểm tra, giám sát tại 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 22 bộ, ngành Trung ương. Qua kiểm tra, giám sát, các Đoàn công tác đã kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo giải quyết, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy, qua đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, đồng thời giúp các địa phương được kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện vi phạm, tồn tại, thiếu sót để chấn chỉnh, khắc phục. 

Đồng chí Lê Thị Nga đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang cần chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Đoàn công tác để tiến hành kiểm tra, giám sát đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị. Qua công tác kiểm tra, giám sát sẽ làm rõ những kết quả, kinh nghiệm đạt được, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều tra, truy tố xét xử để công tác phát hiện và xử lý tham nhũng kịp thời, hiệu quả. 

Thay mặt Đoàn công tác số 8, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã công bố kế hoạch, các quyết định của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN về việc thành lập các đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; lịch làm việc của Đoàn công tác số 8 với các cơ quan, đơn vị được kiểm tra, giám sát của tỉnh Hà Giang. 

Đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: Những năm qua, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, XVI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa; chủ động xây dựng và ban hành chương trình kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Từ năm 2011 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã tiến hành kiểm tra 44 cuộc đối với 44 tổ chức Đảng và 33 đảng viên; giám sát 29 cuộc đối với 29 tổ chức Đảng và 37 đảng viên. Kết quả từ năm 2011 đến nay, các cấp ủy đã thi hành kỷ luật 23 tổ chức Đảng (khiển trách 20, cảnh cáo 3) và 1.009 đảng viên; vi phạm về tham nhũng 27 trường hợp; cố ý làm trái 23 trường hợp… 

Theo kế hoạch, Đoàn công tác số 8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN sẽ làm việc tại tỉnh Hà Giang từ nay đến cuối tháng 8/2017 tại các cơ quan, đơn vị gồm: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Công an, Thanh tra Nhà nước, Viện KSND, TAND, Cục Thi hành án, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Cục Hải quan, Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường, huyện Đồng Văn và Thành ủy Hà Giang.

Mạnh Hà - Minh Tâm