Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Hà Kế Vinh cho biết, năm 2013, ngành Tư pháp đã triển khai 560 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 942 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 736 triệu đồng, ban hành 222 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 435 triệu đồng. Đối với các Sở Tư pháp, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 428 triệu đồng…

Bộ Tư pháp đã tiếp 376 lượt công dân đến KN, xử lý phân loại 2.170 đơn KN và TC. Về cơ bản, các quyết định, kết luận về việc giải quyết KN của Bộ Tư pháp đã được tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện. Trong năm 2013, một số vụ việc KN, TC bức xúc, kéo dài qua nhiều cấp, nhiều ngành đã được Bộ Tư pháp cơ bản giải quyết xong…

Trong PCTN, Bộ Tư pháp xác định công tác này là nhiệm vụ quan trọng. Trong năm, Bộ đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra tập trung vào một số lĩnh vực dễ có nguy cơ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: Thi hành án dân sự, bán đấu giá tài sản, công chứng, hộ tịch trong nước và chứng thực… Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng 6 trường hợp.

Về xây dựng ngành, Thanh tra ngành Tư pháp đến nay có tổng số 174 biên chế. Trong năm, Bộ đã cử 2 công chức học nghiệp vụ yhanh tra viên cao cấp, 5 công chức tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ yhanh tra viên chính, 4 công chức bồi dưỡng nghiệp vụ yhanh tra viên, 1 công chức học chuyên viên cao cấp, 5 công chức học chuyên viên chính, 3 công chức học chuyên viên và 1 công chức học cao cấp lý luận chính trị.

Trong công tác thi đua khen thưởng, năm 2013, Thanh tra Bộ có 10 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở. Lãnh đạo Thanh tra Bộ đề nghị Bộ trưởng và Tổng Thanh tra tặng Bằng khen cho 4 cá nhân. Đề nghị Bộ trưởng công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho 2 tập thể và tặng Cờ Thi đua của ngành Tư pháp cho Thanh tra Bộ. Năm 2013, Thanh tra Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Kế hoạch công tác năm 2014 đã được Bộ Tư pháp xây dựng có trọng tâm, trọng điểm trong 5 lĩnh vực là: Thi hành án dân sự; bán đấu giá tài sản; luật sư; kết hôn có yếu tố nước ngoài; việc quản lý và sử dụng biểu mẫu, sổ hộ tịch. Đồng thời, để thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, Bộ cũng đã xây dựng kế hoạch thanh tra công tác đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng kinh phí hành chính sự nghiệp và thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về PCTN tại một số Cục Thi hành án dân sự và đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Số cuộc thanh tra dự kiến năm 2014 là 23 - 28 cuộc…

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đã đưa ra một số bất cập, khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tiêu cực và công tác giải quyết KN, TC trong lĩnh vực thi hành án dân sự bởi không có thanh tra riêng trong lĩnh vực này. “Đối với bộ máy của thanh tra các Sở Tư pháp, thậm chí một số nơi không có Chánh Thanh tra, Giám đốc Sở phải kiêm luôn nhiệm vụ này… Thanh tra chuyên ngành cũng không có mà hiện Thanh tra Bộ cũng “ôm” tất nhiệm vụ này… dẫn tới có sự mâu thuẫn giữa việc thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm lớn lao mà Nhà nước giao với nguồn nhân lực đang thiếu như đã nói trên. Rất cần sự hỗ trợ, kiến nghị, giải pháp của Thanh tra Chính phủ trong công tác xây dựng, kiện toàn bộ máy Thanh tra ngành Tư pháp để đáp ứng nhiệm vụ Nhà nước giao phó…” - Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền trăn trở.

Ghi nhận, đánh giá cao báo cáo của Thanh tra Bộ Tư pháp, Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh cũng đồng thời khẳng định những kiến nghị, đề xuất của đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thanh tra Bộ Tư pháp về những bất cập, vướng mắc của ngành Thanh tra Tư pháp sẽ được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ quan tâm tháo gỡ.

Hồng Minh