Ngày 6/1, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ Công Thương.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ rõ thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Đảng và Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng cần tiếp tục kiên trì, kiên quyết, trên tinh thần “không dừng,” “không nghỉ,” “không chùng xuống,” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, được đông đảo cán bộ và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giữ vững niềm tin của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, nhất là các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, đấu thầu, đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, “tham nhũng vặt” đã và đang được chỉ đạo xử lý nghiêm, song chuyển biến còn chậm.

Đối với Bộ Công Thương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho rằng, đây là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, phạm vi rộng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

Sự phát triển của ngành công thương cũng chính là sự phát triển của đất nước. Thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng của Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, lĩnh vực công thương đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã xảy ra không ít vụ việc ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, uy tín của ngành, nhất là tình trạng một số dự án lớn bị thua lỗ, kém hiệu quả, những hạn chế trong hoạt động quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

“Qua cuộc kiểm tra lần trước, Đoàn kiểm tra và Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã thống nhất nhận diện nhiều hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ, phân tích rõ nguyên nhân. Theo đó, Đoàn kiểm tra đã có kiến nghị 10 điểm rất cụ thể đối với Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thông qua việc kiểm tra lần này, Đoàn kiểm tra tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là phát huy ưu điểm, phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân.

Từ đó, có biện pháp chủ động chấn chỉnh, khắc phục hoặc kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Chính phủ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ Công Thương nói riêng và cả nước nói chung.

Báo cáo với Đoàn kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức, triển khai công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tự kiểm tra, phát hiện và xử lý tham nhũng. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong phòng, chống tham nhũng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của ngành.

Việc ban hành các chương trình hành động, kế hoạch của Ban Cán sự đảng đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ nhằm tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng được nâng cao.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã kiện toàn tổ chức, sửa đổi quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thuộc Bộ, yêu cầu cấp ủy và người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ rà soát, củng cố Ban Chỉ đạo/đơn vị đầu mối tham mưu giúp việc về phòng, chống tham nhũng theo hướng dẫn của cấp trên.

Bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong công tác phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo, chỉ đạo việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; ban hành, thực hiện và kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; minh bạch tài sản và thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác; trách nhiệm giải trình; tiến hành khắc phục những hạn chế, chỉ ra nguyên nhân và giải pháp thực hiện mà Đoàn kiểm tra nêu ra tại Thông báo kết quả kiểm tra.

Với quan điểm đổi mới, trách nhiệm, quyết liệt hành động, trong các năm qua, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất, tham mưu với Chính phủ về cắt giảm điều kiện, thủ tục kinh doanh. Đồng thời, có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động rà soát để đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ đã triển khai xây dựng và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến từ rất sớm, xác định các nhóm nội dung ưu tiên để đưa lên Cổng dịch vụ công gắn liền với hiệu quả cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động quản lý, điều hành, gắn với xây dựng Chính phủ điện tử.

Đến nay, tất cả 292 thủ tục hành chính cấp trung ương thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên, trong đó 166 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Đã có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ.

Trong 10 tháng năm 2019, Bộ đã xử lý hơn 1,2 triệu bộ hồ sơ điện tử qua các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi lên Bộ)./.

(Theo Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)