Ngày 21/11, Quốc hội dành gần 1 ngày để thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn nêu quan điểm, đây là một dự luật rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn, chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, hướng đến một xã hội văn minh, dân chủ.

+ Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người có chức vụ, quyền hạn luôn được người dân quan tâm. Theo ông, những quy định mới trong dự thảo lần này đã đáp ứng yêu cầu?

- Tham nhũng là tệ nạn của xã hội! Giống như các loại vi phạm và tội phạm khác, tham nhũng luôn luôn có sự biến hóa, vận động. Cho nên, quá trình xây dựng luật, chúng ta phải có những dự lượng trước để tiến hành các biện pháp ngăn chặn, điều tra, bắt giữ, trừng trị tiếp theo.

Trong công tác PCTN, trừng trị chỉ là một mặt, quan trọng hơn là làm sao để tất cả tài sản bị chiếm đoạt phải được thu hồi ở mức cao nhất, tiệm cận được với số liệu tuyệt đối thì chúng ta mới gọi là thành công. Để làm được điều đó, vấn đề đặt ra là phải kiểm soát tài sản, thu nhập.

Là ĐBQH, chúng tôi hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân. Và làm công tác kỹ thuật vấn đề này, chúng tôi hiểu một điều rằng, cái sâu xa nhất, cái quyết định nhất là làm sao để công tác kê khai, quản lý tài sản, thu nhập đi theo hướng, chủ thể có tài sản phải có nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản, nguồn gốc hình thành tài sản đó là hợp pháp.

Những điểm mới được thiết kế trong dự thảo luật lần này tôi thấy đã đáp ứng từng bước. Nhưng để đạt chuẩn theo mong muốn của chúng ta thì phải tiếp tục nghiên cứu. Vì điều đó cần phải có sự phù hợp với trình độ phát triển của xã hội. Ví dụ, chúng ta vẫn sử dụng tiền mặt là làm cản trở công tác này.

+ Nhưng việc chứng minh tài sản do phạm tội mà có là trách nhiệm của Nhà nước, thưa ông?

- Điều đó không sai! Cơ quan Nhà nước có nghĩa vụ chứng minh hành vi của một người nào đó là phạm tội, kéo theo nghĩa vụ chứng minh về tài sản có được là do hành vi phạm tội.

Nhưng có một yếu tố ngược lại, là công dân, cá nhân có quyền về tài sản, thì anh cũng có nghĩa vụ chứng minh rằng, nguồn gốc tài sản đó là hợp pháp. Đó là trách nhiệm của công dân. Cho nên, cần tiếp tục làm rõ trong từng giai đoạn phát triển. Tất nhiên, chúng ta đang dần tiệm cận với vấn đề đó.

+ Nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản là hợp pháp, có nghĩa tài sản đó là bất hợp pháp thì phải tiến hành thu hồi về cho Nhà nước. Nhưng thu hồi bằng cách nào, dự thảo luật vẫn “thiếu hụt” cơ chế xử lý?

- Vấn đề này đang có nhiều ý kiến tranh luận. Anh không chứng minh được tài sản đó có nguồn gốc hợp pháp, nhưng theo tư duy của xã hội chúng ta, liệu đó có phải là tài sản không hợp pháp hay không. Cho nên, cần tiếp tục làm rõ vấn đề này trong dự thảo Luật PCTN và phải quy định như thế nào cho rõ. Tất nhiên, để trở thành một quy định cứng, mang tính chất quyết định thì cần thời gian.

+ Còn quan điểm của ông về vấn đề này thế nào? Liệu có nên thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc là hợp pháp?

- Quyền lợi của công dân gắn liền với nghĩa vụ. Để được bảo hộ bằng pháp luật, để được bảo vệ quyền tài sản thì anh phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản đó là hợp pháp. Nếu anh không chứng minh được thì đó là tài sản của xã hội. Quan điểm của tôi là thu hồi.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kê khai tài sản, thu nhập ít nhất báo rõ 3 đời

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 cho rằng, khi kê khai tài sản, thu nhập, ít nhất phải khai báo rõ 3 đời. Sau đó, công khai, treo ở những nơi công chúng nhìn được thì người dân mới giám sát rõ.

“Người ta có biết anh có cái gì đâu, con cái anh có cái gì, làm sao họ biết nếu anh không công khai. Ví dụ, ông Sùng Thìn Cò về tài sản ông có những gì, con ông ở đâu, có những gì... và chỉ kê khai những tài sản lớn thôi, trên 50 triệu đồng”, Thiếu tướng nói.

Theo ông Sùng Thìn Cò, việc kê khai rõ 3 đời đã có từ rất lâu rồi chứ không phải bây giờ mới nói. Khi muốn vào Đảng hiện nay cũng yêu cầu các cá nhân phải khai lý lịch rõ ràng 3 đời. Nếu anh không khai 3 đời thì làm sao có thể biết được cán bộ có những tài sản gì. Ngay như Tổng thống các nước họ kê khai tài sản mấy chục trang, rõ ràng. Ở ta nếu làm chỉ cần kê khai một đoạn ngắn thôi có gì đâu. Tài sản trên 50 triệu đồng thì khai báo, quy định rõ rồi.


Mở rộng hay thu hẹp đối tượng kê khai tài sản, thu nhập?

Theo Tờ trình dự án luật của Chính phủ, quy định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập phù hợp sẽ giúp cho quá trình kiểm soát biến động tài sản, thu nhập, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh PCTN. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn tồn tại những quan điểm khác nhau nên Chính phủ trình Quốc hội xin ý kiến 2 phương án.

- Phương án 1: mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch (bao gồm cả công chức xã, phường, thị trấn); viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác được giao biên chế và sử dụng tài chính công, tài sản công.

- Phương án 2: thu hẹp đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, chỉ tập trung vào đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ cao (từ 0,7 trở lên ở cấp Trung ương và 0,9 trở lên ở cấp địa phương) và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao do Chính phủ quy định.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội nhận thấy, theo quy định hiện hành, đối tượng phải kê khai được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 trở lên và việc kê khai được thực hiện hàng năm.
“Qua giám sát cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập quá lớn (trung bình khoảng hơn 1 triệu bản kê khai mỗi năm), vượt quá khả năng của các cơ quan có trách nhiệm kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp chưa đồng tình với phương án 1”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Với phương án 2, theo UBTP, cần làm rõ lý do; đánh giá tác động của việc thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập so với quy định của Luật hiện hành…

UBTP cho rằng, trước mắt nên giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hoặc thu hẹp ở mức độ hợp lý, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương, những khu vực nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn, tránh hình thức như thời gian vừa qua.

Việc mở rộng đối tượng kê khai sẽ được nghiên cứu bổ sung khi đã làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng nêu trên và có đủ nguồn lực đáp ứng cho việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập theo chủ trương của Đảng quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) là “tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản”.


Thảo Nguyên