Bà Loan cho biết, BQL SHTP đã công khai, minh bạch các thủ tục hành chính trên website và nơi làm việc, đưa công nghệ thông tin vào quản lý và phục vụ DN, xây dựng diễn đàn đạo đức kinh doanh, tổ chức tiếp DN vào thứ sáu hằng tuần, đối thoại với DN hằng tháng, triển khai đánh giá sự hài lòng của DN đối với SHTP và BQL, đánh giá xếp hạng DN hằng năm. Kết quả, năm 2016, SHTP đã thu hút được 17 dự án với tổng số vốn đăng ký là 666,43 triệu USD; năm 2017 con số đã tăng lên 30 dự án với tổng số vốn đăng ký 754,16 triệu USD.

Đến nay đã có 26 DN KCNC tham gia ký kết bộ quy tắc ứng xử về liêm chính DN, trong đó có 16 DN có báo cáo hệ thống liêm chính, áp dụng công cụ đánh giá liêm chính.

+ Được biết, SHTP khởi xướng sáng kiến ký cam kết liêm chính với các DN trong KCNC vào năm 2007. Sáng kiến sau đó đã được đưa vào cuốn Hướng dẫn về hành động tập thể chống tham nhũng do UN Global Compact xuất bản 2015. Bà có thể giới thiệu thêm về khởi đầu của sáng kiến?

- SHTP hiện nay là đơn vị tiên phong quan tâm đến môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam. 

Ngày 14/8/2007, SHTP và Công ty Intel Products Việt Nam đã ký Biên bản Ghi nhớ về "cam kết về đạo đức kinh doanh và quy trình giải quyết thủ tục phù hợp với các quy định, cam kết chống tham nhũng, tái phạm và các hình thức lạm dụng khác quyền lực". 

Cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước khác, hàng năm, BQL đều có kế hoạch thực hiện PCTN thông qua các biện pháp như tuyên truyền, giáo dục; công khai minh bạch; kiểm tra theo dõi; chuyển đổi vị trí công tác... Những biện pháp này chủ yếu áp dụng với tất cả cán bộ, công chức cơ quan BQL. Việc giám sát thực hiện - ngoài việc kiểm tra chéo giữa các phòng, đơn vị trực thuộc, có thể có thêm các tổ chức đoàn thể (Công đoàn); do đó, xét cho cùng cũng là "nội bộ" cơ quan. 

Khi BQL “kéo” thêm các nhà đầu tư - nhất là những người từng làm việc ở các tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn trên thế giới (có kinh nghiệm trong tạo lập môi trường kinh doanh liêm chính, minh bạch, hướng tới sự hiệu quả dựa trên tính chuyên nghiệp cao) thì cuộc chiến PCTN tại KCNC sẽ có hiệu quả nhiều hơn, chất lượng cao hơn, môi trường đầu tư sẽ bền vững hơn. Việc kéo nhà đầu tư vào cùng tham gia PCTN tại KCNC sẽ có những lợi thế và hiệu quả như sau:

(1) Nhà đầu tư góp ý với BQL những biện pháp PCTN mà theo kinh nghiệm của họ là hiệu quả (nhất là các nhà đầu tư từ các vùng khác nhau, có văn hóa đa dạng, phong cách, ứng xử tương ứng cũng khác nhau) qua đó, giúp BQL có nhiều giải pháp, biện pháp lựa chọn để PCTN hiệu quả.

(2) Nhà đầu tư - cùng người lao động trong DN, tham gia giám sát thực hiện các biện pháp PCTN (nhất là trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, giải quyết vướng mắc, phục vụ nhà đầu tư), qua đó, góp phần đánh giá chính xác, kịp thời môi trường đầu tư theo định hướng "minh bạch, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và quan trọng nhất là hướng tới phục vụ nhà đầu tư". Đây chính là thông điệp, là chủ trương sâu xa của đề án "quản lý là phục vụ" (chứ không phải cai trị - như những quan niệm trước đây).

(3) Ngoài những giải pháp, biện pháp PCTN thực hiện hàng năm, BQL còn xây dựng được các bộ quy tắc ứng xử với DN. Qua đó, xây dựng bộ giá trị cốt lõi của cơ quan BQL SHTP. Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng ta trong cuộc vận động "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". 

Hiện nay, theo BQL, không nhiều cơ quan hành chính Nhà nước xây dựng được bộ "tiêu chuẩn đạo đức công chức" hay cũng là "giá trị cốt lõi của công chức" đúng với qui định chung về đạo đức công chức Nhà nước và phù hợp với đặc thù cơ quan đó. Đây cũng là điểm sáng tạo mà đề án này đem lại và có thể "lan tỏa" đến các cơ quan Nhà nước khác (trước hết là các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), KCNC.

(4) Trong bối cảnh phải hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay thì việc một cơ quan Nhà nước Việt Nam (như SHTP) cùng các DN CNC (mang yếu tố nước ngoài) cùng tạo ra, nuôi dưỡng một môi trường đầu tư "minh bạch, thông thoáng" như tại SHTP sẽ có ý nghĩa lớn, góp phần cho thế giới nhận thấy ý chí quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong cuộc đấu tranh PCTN (thể hiện qua một ví dụ cụ thể tại SHTP), qua đó, giúp SHTP thu hút đầu tư tốt hơn, hội nhập tốt hơn trong các tổ chức quốc tế và khu vực mà SHTP là thành viên như Hiệp hội các Công viên khoa học châu Á (ASPA).

(5) Việt Nam có nhiều KCX, KCN nhưng chỉ có 3 KCNC quốc gia và theo BQL SHTP thì đây là cam kết đầu tiên áp dụng trong các loại hình kinh tế kỹ thuật này ở Việt Nam. Do đó, nó là đầu tiên, đòi hỏi nhiều nỗ lực và sẽ có tính lan tỏa sâu đến các KCX, KCN, KCNC khác.

Năm 2011, SHTP đã được nhận tài trợ của Sáng kiến Chống tham nhũng của Việt Nam do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức (VACI 2011). Tên của Đề án là "Huy động sự tham gia của DN trong tăng cường liêm chính, đồng thuận về mục tiêu và thực hiện giá trị cốt lõi của đơn vị” (P112). Dự án của SHTP là 1 trong 34 dự án đã được chọn cho vòng chung kết năm 2011. Dự án đã được thực hiện trong giai đoạn 2011-2013. Đây là kết quả quan trọng, được xem như là nền tảng đạo đức kinh doanh được thiết lập để cung cấp các nguồn chống hối lộ và xử lý các báo cáo hối lộ của các công ty tại SHTP.

Để thúc đẩy kết quả Chương trình P112, SHTP tiếp tục thúc đẩy tinh thần liêm chính kinh doanh thông qua việc nâng cao nhận thức và đào tạo về các công cụ tuân thủ với sự hỗ trợ từ Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT, đầu mối Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam) trong giai đoạn 2013-2016.

Ngày 24/2/2014, SHTP và TT đã ký Biên bản ghi nhớ để thực hiện Dự án "Hành động tập thể, tăng cường liêm chính kinh doanh tại SHTP" nhằm tăng số lượng các công ty đã ký kết các MOU (biên bản ghi nhớ) về liêm chính và hành động tập thể về liêm chính trong kinh doanh.

Chương trình đã đưa thêm 15 DN khác thuộc SHTP vào chương trình, nâng tổng số DN đã ký MOU với SHTP cam kết thúc đẩy sự liêm chính lên 25 đơn vị. 

Một trang web (http://cocforum.shtp.hochiminhcity.gov.vn) được phát triển với chức năng theo dõi trực tuyến để cho phép các DN tự đánh giá hệ thống tuân thủ để xác định các lỗ hổng cần cải thiện. 

SHTP tự hào vì sáng kiến này đã được ghi trong Cẩm nang Hợp tác Toàn cầu của Liên hợp quốc (Hướng dẫn thực hành Hành động Tổng thể chống tham nhũng) như một ví dụ sáng tạo trong các sáng kiến hành động tập thể đang nổi lên trên khắp thế giới.

+ Năm 2016, KCNC ở TP HCM, Đà Nẵng và Hoà Lạc đã ký kết MOU - cam kết thúc đẩy môi trường kinh doanh liêm chính. Lý do nào thúc đẩy KCNC tham gia thoả thuận này, thưa bà?

- 3 KCNC (TP Hồ Chí Minh, Hòa Lạc và Đà Nẵng) là 3 KCNC trọng điểm của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ thành lập với mục tiêu tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời huy động các nguồn lực trong nước về khoa học và CNC, hình thành một lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển CNC và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp CNC, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Do vậy, việc xây dựng/tạo ra môi trường đầu tư minh bạch là điều hết sức cần thiết của cả 3 KCNC quốc gia này.

SHTP là đơn vị tiên phong đi đầu trong các hoạt động xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính, minh bạch ở Việt Nam theo những tiêu chuẩn quốc tế rõ ràng. Một trong những lợi thế của SHTP chính là sự hiện diện của các công ty đa quốc gia có tên tuổi hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Sonion, Datalogic, Jabil, GES… hay các DN Việt Nam đã có năng lực quốc tế như FPT, Nanogen…). Đây là những DN chịu sự giám sát chặt chẽ từ các công ty mẹ/tập đoàn, đã áp dụng nghiêm túc hệ thống quản lý tuân thủ và tiến hành đánh giá cẩn trọng trong chuỗi cung ứng, tuyển dụng và mua sắm của họ.

Do vậy, có thể nói, SHTP là đơn vị phù hợp giữ vai trò lan tỏa các giá trị đã và đang có trong việc xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh/tuân theo chuẩn mực của quốc tế… đến cho các nơi khác.

Mặt khác, các DN khác tại SHTP, những đơn vị có hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài hoặc đang muốn gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam hoặc nước ngoài, được các đối tác kinh doanh hoặc nhà đầu tư của họ yêu cầu tăng cường hệ thống tuân thủ nội bộ. Vì vậy, SHTP cũng là một nơi lý tưởng để thu hút các DN vừa và nhỏ hỗ trợ các DN khác có liên quan thông qua việc cung cấp các chương trình đào tạo hoặc chia sẻ kinh nghiệm tại chỗ.

Để thực hiện nhiệm vụ thu hút các công ty hàng đầu trong nước và nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, SHTP hướng tới mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong tạo điều kiện cho DN hoạt động kinh doanh mà không gặp rủi ro hối lộ. Việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh được ban lãnh đạo SHTP xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc tạo ra SHTP như là một đơn vị xuất sắc dẫn đầu trong môi trường hỗ trợ kinh doanh tại Việt Nam.

Với những kết quả đạt được trong hoạt động xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại KCNC, năm 2016, SHTP cố gắng để chuyển tải các giá trị đã đạt được về việc xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính, minh bạch của kết quả triển khai đề án tại SHTP đến KCNC Đà Nẵng và Hòa Lạc thông qua 2 buổi hội thảo chuyên đề tại Đà Nẵng và Hà Nội. 

Ngoài ra, SHTP cũng đã kết nối TT đến làm việc với Hiệp hội các KCX và KCN thành phố (HBA) để xây dựng các giá trị và nhận được sự ghi nhận và ủng hộ hợp tác của các nơi.

+ Xin bà cho biết, kể từ khi ký MOU đến nay, KCNC đã thực hiện các biện pháp cụ thể nào? 

- Thời gian qua, SHTP đã áp dụng nhiều giải pháp cụ thể để giúp DN xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính thông qua việc sử dụng các nguồn tài trợ dự án từ quốc tế để xây dựng các công cụ kiểm soát/ đánh giá trong nội bộ DN; xây dựng diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức nhiều đợt tập huấn công cụ và tuyên truyền kiến thức…

Với nhiều giải pháp khác nhau, từ 2011 đến nay, SHTP đã thực hiện nhiều chương trình với các tổ chức phi Chính phủ (NGO) về nội dung PCTN, tăng cường minh bạch, liêm chính trong kinh doanh với các DN SHTP.

+ Theo bà, các chủ thể bao gồm Nhà nước, BQL KCNC và bản thân các DN có thể làm gì để tiếp tục thúc đẩy liêm chính và cải thiện môi trường kinh doanh trong KCNC khi Luật PCTN (Sửa đổi) được thông qua?

- Góc độ Nhà nước: Ủng hộ triệt để các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh liêm chính của DN. Cụ thể, tăng cường các hành lang pháp lý bảo vệ hoạt động đầu tư của DN, tăng cường triệt để cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 vào hoạt động quản lý Nhà nước.

Góc độ BQL: Làm tốt vai trò cầu nối giữa DN với các cơ quan quản lý Nhà nước khác ở địa phương và Trung ương. Củng cố/thanh lọc đội ngũ theo hướng chuyên nghiệp và có tinh thần hỗ trợ DN.

Góc độ DN: Tin tưởng vào các BQL, hợp tác tốt với BQL trong việc cung cấp thông tin/feedback kịp thời các hiện tượng có dấu hiệu nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ công chức và các cơ quan hữu quan có liên quan. Tham gia tích cực vào các hoạt động PCTN và các chương trình hành động về tăng cường liêm chính/minh bạch do BQL tổ chức. Ký kết MOU và thực hiện tốt các nội dung MOU đã ký kết với BQL về “hành động tập thể, tăng cường liêm chính trong kinh doanh”.

+ Bà có khuyến nghị về chính sách nếu có đối với BQL KCNC và cơ quan Nhà nước nói chung để mở rộng sáng kiến và kêu gọi DN thực hành kinh doanh liêm chính?

- Thứ nhất, để mở rộng sáng kiến và kêu gọi DN thực hành kinh doanh liêm chính, ở góc độ cơ quan Nhà nước, cần có sự cam kết cao của lãnh đạo (người đứng đầu các cơ quan Nhà nước) trong việc ủng hộ và quyết tâm xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính, minh bạch.

Thứ hai, việc xây dựng một diễn đàn (forum) như SHTP đã làm cũng tạo ra nhiều tác động tích cực đến việc xây dựng và gìn giữ hình ảnh của tổ chức, giúp DN và cộng đồng có nơi để góp tiếng nói vào việc chỉnh đốn/hoàn thiện môi trường đầu tư ngày một hiệu quả hơn.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thông qua các buổi hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo nội bộ trong hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước để từng bước nâng cao nhận thức và hành động trong tập thể nói riêng và cộng đồng nói chung.

Thứ tư, ở góc độ DN, cần thúc đẩy DN cùng đồng hành trong việc xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính thông qua việc tăng cường hợp tác và thông tin hai chiều với các cơ quan quản lý địa phương; áp dụng các công cụ giám sát đánh giá nội bộ được TT chia sẻ sử dụng, tiến tới việc mạnh dạn áp dụng hệ thống công cụ ISO 37001:2016 - bộ tiêu chí đánh giá phòng ngừa tham nhũng mới nhất của quốc tế.

+ Xin trân trọng cảm ơn bà!

Kết quả cụ thể của dự án với TT

(1) Lập nhóm thực hiện dự án; ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ cụ thể ngày 2/2/2014. Nhóm công tác chịu trách nhiệm thực hiện các điều khoản và điều kiện của hợp đồng đã ký giữa SHTP và TT.

(2) Hội thảo tuyên truyền cho các DN SHTP về tính liêm chính trong kinh doanh. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 30 DN.

(3) Ký thêm Bộ Quy tắc ứng xử với 15 DN SHTP, nâng tổng số DN đã ký kết lên 21 DN tham gia vào cuối năm 2015.

(4) Khóa đào tạo về các công cụ tăng cường liêm chính trong kinh doanh tại SHTP (thu hút sự tham gia của gần 50 đối tượng tham dự).

(5) Thiết kế các tờ rơi và truyền đạt phổ biến thông tin về các công cụ tăng cường liêm chính trong kinh doanh, sử dụng tại các hội nghị (1.000 tờ rơi).

(6) Thêm và cải thiện cấu trúc trang web về tính liêm chính của DN tại địa chỉ web cocforum.shtp.hochiminhcity.gov.vn.

(7) Thêm một công cụ theo dõi tính liêm chính trong kinh doanh tích hợp vào chức năng theo dõi và đánh giá trực tuyến hệ thống liêm chính của DN.

(8) 7/11/2014, BQL đã tổ chức một hội thảo đào tạo kỹ thuật cho các DN trong việc sử dụng các công cụ báo cáo trực tuyến. Hội nghị đã thu hút đại diện của 20 công ty ký MOU và một số DN quan tâm đến tính toàn vẹn trong hoạt động kinh doanh tại SHTP. Kết quả, 16/22 DN đã tiến hành đánh giá. Một trong số đó tích cực hoàn thành mức đánh giá năm (5) sao.

(9) Tổ chức 2 buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tại KCNC Đà Nẵng và KCNC Hòa Lạc năm 2016. Ngoài ra, SHTP cũng chia sẻ kinh nghiệm với HBA.

(10) 21 DN SHTP tham gia thực hiện đợt khảo sát đánh giá rủi ro kinh doanh của các DN KCNC (TT tại Việt Nam tổ chức hội nghị công bố kết quả khảo sát của 3 KCNC vào ngày 14/8/2018 tại Hà Nội).


Trà Vân