Theo con số của Thanh tra Chính phủ, tính đến ngày 31/5/2015, đã có 995.383/999.416 người kê khai tài sản, đạt tỷ lệ 99,6%. Qua xác minh 1.225 người thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập, chỉ phát hiện 4 người không trung thực.

Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, cũng theo Thanh tra Chính phủ, tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập trong năm đạt 99,1%; số người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập là trên 1 triệu người. Số bản kê khai tài sản đã công khai trên 993.000 bản, đạt tỷ lệ gần 99%. Có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

Kê khai tài sản mà không ai kiểm soát

Còn theo số liệu đưa ra tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong 10 năm qua, số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Trong 10 năm, xử lý hình sự 118 trường hợp; xử lý kỷ luật 800 trường hợp. Mới xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, rõ ràng chúng ta đã thực hiện rất nhiều đợt kê khai tài sản cán bộ, công chức nhưng lại đang thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện hiệu quả. “Qua hơn 1 triệu người kê khai nhưng chỉ phát hiện 4 người kê khai sai. Đây là con số hết sức phản cảm, thể hiện sự thiếu trung thực của cán bộ”. 

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, trong công tác kê khai tài sản, kiểm soát tài sản của cán bộ cũng còn nhiều lỗ hổng. Việc kê khai tài sản hiện nay còn quá nhiều hình thức, người kê khai cứ kê khai nhưng không ai kiểm tra, chỉ khi có sự việc mới xem đến.

“Có nên tất cả mọi người đều phải kê khai không hay chỉ những người liên quan đến các vấn đề tài chính, hay cấp nào mới cần kê khai, còn tất cả cán bộ công chức đều kê khai có nên không? Kê khai mà không ai kiểm soát thì có cần thiết không?”- ông Túc đặt vấn đề.

Phải coi kê khai tài sản trung thực là việc rất bình thường

Từ nhiều năm qua, việc kê khai tài sản các cơ quan hữu quan cũng đã có nghiên cứu từ khía cạnh pháp luật để làm cho việc kê khai minh bạch, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đã đến lúc cần có những quy định cụ thể để việc kê khai tài sản có ý nghĩa thiết thực.

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng “cần phải nghiên cứu để việc kê khai tài sản là việc rất bình thường, đã là cán bộ nếu minh bạch thì chuyện kê khai tài sản là tất nhiên. Nếu như làm như cách bấy lâu nay vẫn làm sẽ không hiệu quả và dẫn đến nhiều hệ lụy cho nhân dân, Nhà nước và cho chính những cá nhân liên quan đến việc kê khai tài sản. Vì kê khai không trung thực thì những đến lúc xảy ra việc thì không thể sửa đổi được”.

 

ke khai tai san nhung khong ai kiem soat con lo hong lon qua hinh thuc hinh 2
TS Nguyễn Viết Chức

Theo ông Nguyễn Túc, việc kê khai tài sản của cán bộ công chức phải để dân được biết và giám sát. “Nếu để cán bộ tự kê khai thì nhiều người kê khai không đúng. Địa bàn dân cư là nơi tốt nhất để phát hiện ra việc kê khai có trung thực hay không. Dựa vào đó, chúng ta có điều kiện thẩm định, đánh giá tính trung thực của người kê khai đó một cách chính xác hơn. Nếu làm được như vậy việc kê khai và kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức sẽ  đạt hiệu quả cao hơn và dân sẽ tin hơn”. 

Nghị quyết Trung ương 4 đã đặt vấn đề giao cho cơ quan bổ nhiệm cán bộ chịu trách nhiệm xác định tính xác thực của tài sản kê khai. Nghị quyết lần này cũng nhấn mạnh, phát huy vai trò của nhân dân. Có cơ chế động viên, khuyến khích, bảo vệ những người phát giác. Nghị quyết cũng phát huy vai trò của báo chí và công luận, chấn chỉnh sai sót, vừa tăng cường quản lý, vừa cung cấp thông tin định hướng, đồng thời phát huy vai trò của báo chí và công luận. Do đó, thường xuyên và đột xuất kiểm tra, công khai việc kê khai tài sản. Cơ quan đề đạt, bổ nhiệm chịu trách nhiệm xác minh tính trung thực của kê khai.

Muốn đấu tranh phòng chống tham nhũng kịp thời, có kết quả thì phải kiểm soát được thu nhập của mọi người dân, trong đó có kiểm soát được tài sản của cán bộ, công chức. Việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức phải gắn liền với việc xác minh tài sản, thu nhập của họ. Do vậy, phải sớm hoàn thiện các quy định, cơ chế về kê khai và công khai, kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức, viên chức một cách thiết thực, tránh hình thức./.

Theo Minh Hòa/VOV.VN