Chưa có chính sách hữu hiệu xử tình trạng đầu cơ đất

Báo các về vấn đề này, Chính phủ cho biết, ngay sau khi Luật Đất đai năm 2013 được thông qua, đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thi hành; hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, đảm bảo công khai, minh bạch dân chủ, công bằng và kịp thời trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chỉ đạo công tác định giá đất cụ thể; nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai.

Chính phủ cũng tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt là các vụ việc tồn đọng kéo dài…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai vẫ còn nhiều bất cập, hạn chế, gây lãng phí đất đai, nguồn lực xã hội.

Thực tế, "có dự án đầu tư có sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng gây nên tình trạng lãng phí, đất đai để hoang hóa”, báo cáo nêu.

Việc rà soát, phê duyệt phương án và xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở một số nơi chưa đảm bảo công khai minh bạch, đã làm thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai tuy đã giảm so với trước đây nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao (trên 60%) và diễn biến phức tạp. Nhiều vụ khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, có nơi, có lúc đã làm ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Chính phủ, hiện chưa có chính sách hữu hiệu để hạn chế, xử lý tình trạng đầu cơ đất đai, ở một số nơi có hiện tượng đẩy giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong công tác quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.

Một số dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), việc xác định giá trị công trình và giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán chưa phù hợp dẫn tới tình trạng thanh toán quỹ đất đã vượt quá giá trị công trình BT, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Chuyển đổi nhà đất công không qua đấu giá, ngân sách thất thu

Riêng công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai, theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ năm 2015-2018, toàn ngành Tài nguyên môi trường đã tiến hành hơn 2.300 cuộc; kiến nghị xử lý thu hồi diện tích 22.362 ha đất.

Qua thanh tra, đã chỉ ra việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai ở các địa phương còn chậm, nhất là đối với các dự án khu thương mại, du lịch, dự án phát triển nhà ở không phải là khu đô thị mới... không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm, gây lãng phí đất đai.

“Có 17,8% số tỉnh, TP được thanh tra giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt”, báo cáo nêu.

Số liệu báo cáo của 48 tỉnh, TP cho thấy, có đến 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện với tổng diện tích 80.453,2 ha. Trong đó có, 2.067 dự án  đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích là 60.332,1 ha.

Đến nay, 38 tỉnh trong số 48 tỉnh, TP có báo cáo thì mới xử lý được 1.336 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 22.707,9 ha.

Thu hồi đất của 309 dự án; gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng 195 dự án; hủy bỏ quyết định hoặc thông báo thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư tại 100 dự án; thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư do chậm làm thủ tục giao đất 732 dự án.

Cũng trong giai đoạn từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu đến hết năm 2018, ngành Thanh tra đã tiến hành 4.289 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. Qua đó, phát hiện sai phạm về đất đai hơn 1.373 tỷ đồng, 40.185 ha đất; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm, xử lý hành chính 2.931 tổ chức, 14.120 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 71 vụ, 91 đối tượng.

Riêng, Thanh tra Chính phủ đã kết luận 14 cuộc, phát hiện sai phạm gần 3.685 tỷ đồng, 19.297 ha đất; kiến nghị kiểm điểm, xử lý hành chính nhiều tập thể, cá nhân có liên quan, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ.

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, còn tình trạng không khách quan, không chính xác trong việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất của một số doanh nghiệp được giao đất ở không thông qua đấu giá đất; xác định giá thu tiền sử dụng đất khi chuyển đổi quỹ đất công, các cơ sở nhà đất sang mục đích khác chưa phù hợp thị trường.

Nhất là, việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác; nhận chuyển nhượng một số cơ sở nhà, đất ở vị trí đắc địa không thông qua đấu giá, chưa phù hợp các quy định của Luật Đất đai, làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Thực hiện nghiêm thu hồi đất các dự án vi phạm

Chính phủ nhận định, đất đai là vấn đề ”phức tạp, nhạy cảm”, mang tính chất lịch sử, nên khi giải quyết cần xem xét một cách toàn diện để vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo ổn định chính trị.

Từ đó, kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và các Luật có liên quan như: Đầu tư, Đầu tư công, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản... nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, đồng bộ, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí.

Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị như: Giao đất, cho thuê đất được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; thu hẹp hình thức thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê để nuôi dưỡng nguồn thu; thực hiện nghiêm việc thu hồi đất đối với các dự án sử dụng đất có vi phạm, nhất là thu hồi đất tại các vị trí có lợi thế, khả năng sinh lợi cao trong quá trình rà soát, sắp xếp tài sản công...

Trong thời gian chưa sửa kịp thời Luật Đất đai và pháp luật khác có liên quan, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm để xử lý một số nội dung như: tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; định giá đất theo mô hình vùng giá trị; ban hành Nghị quyết về cơ chế quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế quốc phòng của Quân đội để đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay.

Chính phủ cũng cho biết, sẽ chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm pháp luật về đất đai, pháp luật về đô thị, chấn chỉnh, khắc phục, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra và triển khai loạt giải pháp trong lĩnh vực này.

Thảo Nguyên