Từ khi Luật PCTN được ban hành, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp và có nhiều chuyển biến góp phần phát huy dân chủ, giữ  vững kỷ cương pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, bảo đảm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTN đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị mình và toàn thể nhân dân với nhiều hình thức phong phú, thích hợp cho từng đối tượng; đã biên soạn, phát hành gần 300 tập đề cương phổ biến pháp luật, 2.000 cuốn hỏi - đáp về các nội dung của Luật PCTN năm 2005, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCTN (năm 2007, năm 2012), Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, Luật Tiếp công dân năm 2013.

Tổ chức lớp tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; tổ chức các lớp phổ biến các quy định của Luật PCTN; các cuộc thi tìm hiểu Luật PCTN và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thu hút số lượng lớn người tham gia.

Sở Nội vụ cũng phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia và Viện Nghiên cứu Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ Đà Nẵng mở các lớp bồi dưỡng về kỹ năng xử lý hành chính, kết hợp tuyên truyền về PCTN cho các cán bộ, công chức trong tỉnh. Công tác tuyên truyền các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN cũng được thực hiện sâu rộng góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác PCTN; 100% các trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013 - 2014.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN còn gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung, lựa chọn hình thức, nội dung thực hiện, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mật độ dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn; một số bộ phận cán bộ, công chức, quần chúng nhân dân nhận thức về công tác PCTN còn hạn chế, thiếu tự giác trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCTN; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được tổ chức triển khai triệt để...

Số lượng vụ việc tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra của cơ quan thanh tra các cấp chưa nhiều; khả năng tự phát hiện tham nhũng trong đơn vị chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan (thanh tra, công an, tòa án, viện kiểm sát, kiểm toán) trong việc cung cấp thông tin và việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa chặt chẽ; một số cán bộ, công chức làm công tác PCTN có năng lực, trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của công tác PCTN.

Phát hiện 4 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng qua thanh tra

Từ năm 2006 đến nay, qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 4 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ gồm các vụ việc xảy ra tại: Trung tâm Dạy nghề Kon Đào, huyện Đăk Tô; Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh Môi trường tỉnh; xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô (1 cán bộ hợp đồng làm việc theo Quyết định 253 của Thủ tướng Chính phủ tại xã ĐăkTrăm, huyện ĐăkTô trong quá trình chi tiền Tết cho hộ nghèo); Phòng Lao động - Thương binh vàXã hội huyện Tu Mơ Rông.

Cơ quan chức năng đã thụ lý 21 vụ việc, 33 bị can liên quan đến hành vi tham nhũng.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên là do tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, địa vị pháp lý của một số cơ quan PCTN chưa rõ; chưa đảm bảo tính độc lập cần thiết; biên chế được giao nhiệm vụ làm công tác PCTN còn ít, làm kiêm nhiệm; năng lực, trình độ nghiệp vụ phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng so với yêu cầu; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác đấu tranh PCTN còn thiếu; thủ đoạn, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện...    

Để tiếp tục tăng cường thực hiện, nâng cao hiệu quả các giải pháp PCTN, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, thật sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng trong thời gian tới, các cấp, ngành tỉnh Kon Tum đã đề nghị các cơ quan Trung ương tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến PCTN theo hướng tăng cường các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là các quy định về công khai minh bạch, kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn...

Đặc biệt, cần rà soát, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, địa vị pháp lý, của một số cơ quan cấp tỉnh theo hướng rõ ràng hơn về quyền hạn, bảo đảm tính độc lập cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ PCTN; tăng cường cơ chế bảo vệ và vinh danh người tố giác hành vi tham nhũng và có thành tích chống tham nhũng; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho công tác PCTN; hướng dẫn và xử lý kịp thời rõ ràng đối với các tội danh tham nhũng; rà soát, bổ sung các chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật PCTN...

Đồng thời, kiến nghị Thanh tra Chính phủ phối hợp với các cơ quan bộ, ngành liên quan cung cấp cho ngành Giáo dục các loại tài liệu, băng đĩa ghi hình… về một số vụ án tham nhũng điển hình nhằm giúp giáo viên và học sinh tiếp cận kiến thức minh họa thực tế tại địa phương để nâng cao hiệu quả dạy và học; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra, PCTN; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về kỹ năng phát hiện hành vi tham nhũng, giải quyết đối với loại án tham nhũng, đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Lê Nguyên