Không dung túng chuyện “cản” hoạt động thanh tra

Mở đầu phiên chất vấn, các ĐB Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Xuân Diên đặt một loạt câu hỏi: UBND TP ban hành Quyết định 7177 loại 321 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý có đúng thẩm quyền? Luật Thanh tra đã quy định rõ thời hạn thanh tra, sao đến nay vẫn chưa có kết luận thanh tra? Có cần chuyển vụ việc này sang cơ quan điều tra?

Trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, UBND TP rất thận trọng khi ban hành Quyết định 7177 và đã giao Sở Tư pháp rà soát, báo cáo Bộ Tư pháp. Đến nay, Bộ Tư pháp đã có văn bản trả lời khẳng định, UBND TP ban hành Quyết định 7177 là phù hợp với thẩm quyền được giao.

Việc vẫn chưa ban hành được kết luận thanh tra do khối lượng công việc lớn, khó khăn phức tạp, nhất là liên quan đến hồ sơ. “Chúng tôi yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ hồ sơ để thanh tra. Trong thực tế, việc quản lý hồ sơ có sai sót do lịch sử để lại. Vì vậy, cuối tuần qua, chúng tôi yêu cầu đến ngày 15/12, các đơn vị liên quan phải có văn bản chính thức báo cáo về thực trạng hồ sơ”,ông Khanh nói.

Không đồng tình, ông Nam cho rằng, Phó Chủ tịch UBND TP chưa trả lời thẳng vào vấn đề và không nói rõ thanh tra bao giờ xong và tiếp tục truy vấn, có hay không có chuyện Sở Xây dựng, bộ phận nhà đất có biểu hiện cản trở công tác thanh tra? Có chuyện biến nhà công thành nhà tư, TP có biết không, giải pháp của vấn đề này?

Theo ông Khanh, TP không bao giờ từ bỏ trách nhiệm quản lý, không loại bỏ 312 biệt thự này ra khỏi diện quản lý mà chỉ phân loại ra để quản lý cho tốt. Tuy nhiên, ông Khanh thừa nhận, trong quá trình quản lý có sai sót, quy trình cách làm chưa chặt chẽ. “Chúng tôi đã biết, đã chỉ ra một số trường hợp cụ thể, nhưng thanh tra 312 biệt thự phải có thời gian. Chúng tôi sẽ tiếp tục thanh tra công vụ xác định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan. Sau thanh tra, sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan điều tra”.

Ông Khanh khẳng định, TP không dung túng cho cán bộ để xảy ra sai phạm tiêu cực, nếu không tạo điều kiện, cản trở công tác thanh tra sẽ xử lý đúng quy định của luật. Đồng thời, hứa sẽ lưu ý chuyện cán bộ lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản công tránh thất thoát tài sản công.

Hứa năm 2015 xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản

Tiếp tục quan tâm đến vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, ĐB Phạm Thị Thanh Mai tái chất vấn, kết quả xử lý nợ đọng xây cơ bản đến đâu, xử lý trách nhiệm thế nào? Năm 2014 có phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản không, trong báo cáo của UBND TP tôi chưa thấy nói rõ con số này?

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hồng Sơn, UBND TP rất quyết liệt trong việc chỉ đạo xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và bảo đảm đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. UBND TP đã bố trí nguồn kinh phí 314,45 tỷ đồng từ nguồn quyết toán chung của TP để thanh toán các dự án được duyệt quyết toán chưa thanh toán và các dự án dự kiến từ nay đến cuối năm hoàn thành quyết toán để xử lý nợ công trình cấp TP.

“Đến thời điểm hiện nay không có phát sinh nợ đọng cơ bản mới”, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Ngô Văn Quý trả lời chất vấn và cho biết, để bảo đảm xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản, không để phát sinh nợ mới, TP đã đề ra một loạt giải pháp, yêu cầu thực hiện nghiêm.

Theo đó, chỉ phê duyệt quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Các dự án trong danh mục kế hoạch phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch đã giao, không yêu cầu nhà thầu ứng vốn thi công khi chưa được bố trí vốn hoặc ứng vốn thi công vượt kế hoạch vốn đã bố trí; không tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu chưa được bố trí vốn; lập và điều chỉnh kế hoạch đấu thầu theo đúng tiến độ và kế hoạch vốn được phân bổ cho từng dự án…

Về xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong việc xử ra nợ xây dựng cơ bản, UBND TP đã có văn bản phê bình Chủ tịch UBND 6 huyện Thạch Thất, Thanh Oai, Mê Linh, Thường Tín, Mỹ Đức, Ba Vì.

UBND TP cũng phê bình, chấn chỉnh 10 huyện (Hoài Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ứng Hòa, Gia Lâm, Mỹ Đức, Mê Linh, Thanh Oai, Đông Anh) trong việc chưa bố trí đủ vốn trong kế hoạch giao đầu năm để trả nợ xây dựng cơ bản theo tỷ lệ quy định.

Sau thanh tra nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP, UBND TP đã giao thanh tra làm rõ cụ thể từng chủ đầu tư, cấp quản lý để xảy ra nợ xây dựng cơ bản, trên cơ sở đó kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm.

Thanh tra, kiểm tra 875 dự án

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, UBND TP đã quyết liệt chỉ đạo thanh tra, kiểm tra xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh về tiêu cực trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cùng với đó, đã chỉ đạo các sở, ban, ngành TP đã tổ chức 12 đoàn thanh tra, kiểm tra quản lý, sử dụng đất đối với 875 dự án.

Qua thanh tra, kiểm tra đã đưa 579 dự án ra khỏi danh mục dự án chậm triển khai; đồng ý gia hạn cho 69 dự án chậm đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa do nguyên nhân khách quan (vướng mắc về quy hoạch, thị trường…), giao UBND các quận, huyện, thị xã đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện kết luận thanh tra, khắc phục các vi phạm. Khi hết thời gian gia hạn, nếu đơn vị không khắc phục vi phạm theo tiến độ, UBND các quận, huyện, thị xã có văn bản báo cáo UBND TP chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi đất theo quy định...


Thảo Nguyên