Ngày 13-5, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các thành viên về dự thảo văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ IX của MTTQ Việt Nam, nhiệm kỳ 2019-2024.

Mặt trận giám sát đến đâu…?

 Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, cho rằng cần phải giám sát việc thực hiện pháp luật vì khâu này còn nhiều điểm yếu. “Giám sát vừa qua chúng ta tham gia đấu tranh chống tham nhũng rất tốt. Phải nói MTTQ phối hợp với các đoàn thể tham gia thực hiện và giám sát những chính sách đối với người nghèo, với thương bệnh binh, với các đối tượng xã hội khác… rất tốt” - bà Doan nhận định.

Tuy nhiên, bà Doan nói giám sát cần sâu hơn nữa và toàn diện hơn. Vì theo bà, có như vậy mới khắc phục được tình trạng ở những địa phương chưa phát hiện kịp thời những nơi gian dối, giả tạo hồ sơ để trục lợi. “Mình cứ nói cái gì cũng tốt, giám sát tốt, phản biện hay nhưng tại sao có những “điểm nóng”, nhất là tham nhũng mà không phát hiện được? Có những cái nhân dân tự phát bùng lên mà chúng ta có đầy đủ các cấp ở địa phương cũng không phát hiện được. Tại sao để xảy ra tình trạng như thế? Giám sát, phản biện mà không nắm sát dân tình như mình mong muốn” - bà Doan thẳng thắn.

Đồng tình, ông Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, góp ý MTTQ các cấp cần phải đi sâu, đi sát, giám sát tham nhũng tốt hơn. Bởi theo ông Sở, có những “luật bất thành văn” mà bất cứ ở đâu cũng phải… tuân theo. Chẳng hạn đối với nhiều dự án, công trình xây dựng, ông Sở nhận định: “Chi phí quản lý các dự án có khi tới 40%. Vậy sao chất lượng công trình, dự án vẫn… kém? Mặt trận cần đi sâu hơn. Chúng tôi có chứng cứ về những vấn đề này”.

Mặt khác, ông Sở nói rằng trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều có bản kiến nghị của cử tri, nhân dân với Chính phủ. Tuy nhiên, phúc đáp của các thành viên Chính phủ chưa được rõ nét. “Điều này cần phải làm tốt hơn” - ông Sở nói.

Giám sát, phản biện phải thực chất

Về công tác phản biện của MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng cần phải phân định rõ giữa giám sát và phản biện. Lâu nay hai công tác này có phần chưa rõ. Theo ông Thịnh, giám sát là công tác xem xét việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước đã ban hành. Còn phản biện là công tác góp ý, đưa ra các ý kiến khác, có khi “trái chiều” nhằm đóng góp cho các chính sách, pháp luật đang trong thời gian lấy ý kiến.

“Phải phân định rạch ròi như thế thì MTTQ Việt Nam mới xây dựng được một kế hoạch cụ thể cho nhiệm kỳ tới” - ông Thịnh nói.

Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn nhận định: “Thời gian qua có nhiều bức xúc xã hội chưa được giải quyết thỏa đáng. Đâu đó có xu hướng một bộ phận người dân thờ ơ, đối đầu với chính quyền”. Từ đó, ông Tuấn đề nghị MTTQ Việt Nam cần làm rõ hơn những nội dung giám sát, phản biện xã hội nhằm phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát và phản biện xã hội hiệu quả hơn.

Đặc biệt phải có cơ chế, nguồn lực để chủ động trong sử dụng chuyên gia, hội đồng tư vấn trong triển khai các chương trình giám sát. “Cán bộ Mặt trận ở cơ sở hiện còn bị động, việc đánh giá sự hài lòng của người dân đối với chính quyền ở cơ sở vẫn chưa kịp thời. Nhiệm kỳ tới cần ứng dụng công nghệ thông tin để đánh giá sự hài lòng của người dân, những phản ứng tức thời của người dân đối với những vấn đề nổi cộm ở cơ sở” - ông Tuấn nói.

Đồng tình, đại diện Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho rằng MTTQ cần bám sát nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để tham mưu cho Đảng, chính quyền. Đặc biệt, phải chủ động thông qua các tổ chức thành viên, huy động các tổ chức này tham gia giám sát các vấn đề của đời sống xã hội.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tiếp thu, khẳng định những ý kiến trên rất quan trọng, tâm huyết giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoàn thiện báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, sức mạnh của Mặt trận các cấp là phối hợp hiệp thương với các tổ chức thành viên trong triển khai hiệu quả các chương trình giám sát, các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận phát động. Thời gian tới, Mặt trận các cấp cần tập trung vào việc phát huy dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó việc nắm bắt tình hình nhân dân cần kịp thời hơn, đầy đủ hơn, chân thực hơn và có chính kiến trong những vấn đề nóng phát sinh trên địa bàn...

Cái yếu nhất của giai cấp công nhân là trình độ năng lực. Nó có được nâng lên hay không, hay mãi mãi đi làm thuê thế này?

4.0, 5.0 mà thanh niên đẹp như tiên suốt ngày phải đi lao động làm thuê. Thủ tướng lúc nào cũng kêu gọi Chính phủ kiến tạo, phải lao động sáng tạo, phải tăng năng suất chất lượng,hiệu quả nhưng trình độ năng lực đội ngũ công nhân như thế này chưa đảm bảo.

Thủ tướng nói Việt Nam đã 30 năm làm thuê rồi, lao động cơ bắp rồi, bây giờ phải sáng tạo, phải phát triển bằng trí tuệ. Nhưng sáng tạo, trí tuệ ở đâu mà có? Đó chính là nền kinh tế tri thức. Phát triển nền kinh tế tri thức bằng sự học và từ tri thức đó mới trở thành sáng tạo. Nếu cứ thế này, Việt Nam sẽ tụt hậu xa hơn nữa.

Nguyên Phó Chủ tịch nướcNGUYỄN THỊ DOAN

Theo CHÂN LUẬN (PLO)