Tại buổi họp báo chiều 16.6 do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức, đại diện các sở, ngành đã trả lời nhiều vấn đề "nóng" mà báo chí đã phản ánh thời gian qua.

Về vụ "quan lộ thần tốc" mà Dân Việt phản ánh, ông Trần Minh Ngọc - Trưởng phòng Công chức, viên chức thuộc Sở Nội vụ tỉnh - cho biết: "Việc bổ nhiệm bà Bùi Thị Thu Huyền (con gái ông Bùi Viết Hội - Bí thư Huyện ủy Chư Prông) giữ chức Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng là sai, UBND huyện đã ra quyết định hủy bỏ quyết định bổ nhiệm này. Bà Huyền đang nghỉ chế độ thai sản, khi bà Huyền đi làm lại huyện sẽ bố trí công tác tại đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện phù hợp với chuyên môn. Về trách nhiệm những cá nhân, tập thể liên quan, UBND huyện Chư Prông đã yêu cầu Trưởng phòng Nội vụ tổ chức kiểm điểm, nhận trách nhiệm, còn với một số tập thể cá nhân khác vẫn chưa được làm rõ.

Về trường hợp bà Bùi Thị Thu Trang (Phó trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Chư Prông - chị bà Huyền) “thăng tiến thần tốc”, ông Ngọc nói: “Không có quy định thời gian bổ nhiệm nhanh hay chậm”.

PV hỏi: “Dư luận thắc mắc về việc “cả nhà làm quan” phản ánh ông Bùi Viết Hội và nhiều người thân khác đang công tác, giữ nhiều chức vụ quan trọng tại địa phương sẽ gây nên những việc bất bình đẳng, vậy có quy định nào cấm hay không?”. Ông Ngọc trả lời: “Không có quy định nào cấm các thành viên trong một gia đình và người thân công tác trên một địa bàn”.

Một trong những vấn đề dư luận quan tâm là vụ “sai phạm hàng chục tỷ đồng ở ngành y tế Gia Lai” - mua sắm trang thiết bị, đấu thầu làm chênh lệch khoảng 67 tỷ đồng. Ông Mai Xuân Hải - GĐ Sở Y tế cho biết, UBND Tỉnh và Sở Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện theo kiến nghị giải trình, kiểm điểm của cơ quan Kiểm toán nhà nước khu vực XII. Nhưng một số trường hợp, các đơn vị chưa đồng thuận với kết quả kiểm toán nên chưa thực hiện theo kiến nghị. Trước đó, vấn đề này Sở cũng đã có báo cáo kiểm điểm, UBND tỉnh đã gửi báo cáo vụ việc ra Chính phủ. Nay, do chưa có kết quả phúc đáp, chỉ đạo từ Bộ và Chính phủ nên chưa thể cung cấp gì thêm.

Về vụ một số công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm rồi bỏ trốn, khiến nông dân ở 2 huyện Chư Sê và Chư Pứh thiệt hại lớn vì hàng nghìn tấn bí đao không bán được, còn chanh dây do doanh nghiệp cung cấp thì không có quả, ông Phan Minh Trung - Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh - cho biết ngoài thông tin báo Dân Việt phản ánh, người dân cũng đã có đơn gửi UBND tỉnh. Văn phòng UBND tỉnh đang khẩn trương xử lý, tham mưu UBND chỉ đạo giải quyết.

"Chậm nhất sáng 17.6, UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo giao cho Sở NN & PTNT phối hợp UBND các huyện kiểm tra và có giải pháp xử lý" - ông Trung cho biết.  

Theo Lê Kiến/Dân Việt