Ngày 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao năm 2019; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Chống tiêu cực là “dọn đường” cho cái mới phát triển

Tại đây, ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP Hà Nội) cho hay, không ít người lo ngại rằng chống tham nhũng, xử lý tội phạm kinh tế, tội phạm chức vụ rộng, mạnh, quyết liệt sẽ kìm hãm sự phát triển, làm khó cho công chức thực thi công vụ.

“Đây là quan điểm sai lầm và ác ý”, ông Hiểu nói và dẫn chứng, những năm gần đây nước ta quyết liệt chống tham nhũng, tội phạm kinh tế với hàng trăm vụ án lớn được đưa ra xét xử, nhưng kinh tế liên tục tăng trưởng.

“Chống cái sai, cái tiêu cực là “dọn đường” tạo mảnh đất tốt cho cái mới, cái tích cực, cái tiến bộ sinh sôi, phát triển. Đất nước trong bất kỳ giai đoạn nào đều cần những cán bộ, công chức, viên chức trung thành, tận tụy, dám nghĩ, dám làm và đổi mới sáng tạo”, ĐB đoàn TP Hà Nội nhấn mạnh.

Từ đó, ông Hiểu đề nghị, giải quyết thỏa đáng các quy trình, quy định trong mối quan hệ để phát huy sức sáng tạo, thúc đẩy đổi mới, phát triển. Trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm cần cân nhắc, đánh giá toàn diện giữa hành vi, quy trình, quy định với lợi ích mang lại khi mà hệ thống pháp luật của nước ta chưa hoàn thiện, nhiều quy định còn đi sau cuộc sống.

“Giải quyết tốt vấn đề này sẽ khích lệ, động viên được nhiều cán bộ, công chức đổi mới sáng tạo, vì lợi ích chung của đất nước. Họ sẽ không e dè, chùn bước trước những quy định pháp luật vô tình”, ông Hiểu nêu ý kiến.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP Hà Nội)

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) thì cảnh báo, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức vụ suy thoái, biến chất, năng lực hạn chế xuất phát từ tham nhũng trong công tác cán bộ.

“Tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ lâu nay được coi là điểm nóng của tệ tham nhũng, song nhiều người vẫn coi là vùng cấm vì chưa có các quy định của pháp luật điều chỉnh một cách đồng bộ và đầy đủ. Chợ đen của việc mua quan, bán chức không dễ trả lời được ai mua và ai bán, chỉ biết dư luận râm ran chợ đen này thường nhộn nhịp trong các dịp bầu cử, đại hội”, ông Sinh thẳng thắn nói.

ĐB này nêu rõ, tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ đã làm sai lệch các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, theo ĐB, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải làm liên tục và không ngừng nghỉ, làm đồng bộ và có hệ thống.

“Cần sớm thể chế hóa các quy định của Trung ương về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý và lãnh đạo”, ông Sinh đề xuất.

Cùng với đó, xây dựng quy trình thu hồi, hủy bỏ, cách chức, giáng chức đối với cán bộ có vi phạm về công tác cán bộ, cán bộ vi phạm quy định về chạy chức, chạy quyền; công khai danh sách, quy trình bổ nhiệm bầu cử cán bộ, công chức không chỉ trong tổ chức đảng, cơ quan mà cần rộng rãi để nhân dân tham gia đánh giá, giám sát.

Đằng sau câu chuyện “đúng quy trình” là bóng dáng của “nhóm lợi ích”

Trong khi đó, theo đánh giá của ĐB Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng), việc đề xuất chính sách, cơ chế trong từng lĩnh vực vẫn còn chưa thật sự rõ nét.

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (đoàn TP Đà Nẵng)

ĐB Sơn nhắc đến những sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài sản công chậm được phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn dẫn đến thiệt hại đặc biệt lớn, đặc biệt nghiêm trọng.

“Nhiều cán bộ đã bị xử lý ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó có cả những cán bộ cấp cao - những người một thời là những nhân tố ưu tú trong bộ máy. Tổn thất này còn nghiêm trọng và to lớn hơn gấp nhiều lần”, ông Sơn nói.

Vậy nguyên nhân từ đâu? ĐB đoàn TP Đà Nẵng hỏi và ví dụ, nhiều dự án quy mô ban đầu chỉ vài trăm nhân khẩu, nhưng sau những lần điều chỉnh theo kiểu “đúng quy trình” quy mô đã lên đến 6.000 - 7.000 nhân khẩu.

“Đằng sau câu chuyện điều chỉnh đúng quy trình đó, lẩn khuất đâu đó bóng dáng của nhóm lợi ích”, ông Sơn tiếp tục nhấn mạnh, có rất nhiều dự án như vậy xảy ra ở nhiều nơi, quy mô lớn hơn rất nhiều, để lại hậu quả nặng nề.

“Nhà nước thì mất cán bộ, chủ đầu tư thì vô can, các thực thể vi phạm vẫn tồn tại lồ lộ, sừng sững đầy thách thức. Xử lý nghiêm và triệt để đối với loại vi phạm kiểu này, tôi e rằng đó là điều không thể. Công trình 8B Lê Trực là một ví dụ điển hình và tiếp theo sẽ là dự án khu đô thị HH Linh Đàm”, ông Sơn nêu.

ĐB đoàn TP Đà Nẵng băn khoăn, phải chăng phương thức quản lý đô thị hiện tại đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển chung của các đô thị trong giai đoạn mới đến mức đang tạo ra những hậu quả nặng nề cho đô thị?

Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, nhiều dự án xây dựng trái phép mà cán bộ sở tại làm ngơ và không biết gì, đây là vấn đề không thể chấp nhận được.

“Có những lợi ích nhóm, những cá nhân “cỡ bự” thiếu trách nhiệm gây thất thoát lớn, tham nhũng của Nhà nước, nhân dân hàng ngàn tỷ đồng”, Thượng tướng nói và đề nghị, xử lý nghiêm minh các sai phạm; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng.

ĐB đoàn TP Hà Nội còn đề cập đến tình trạng tham nhũng “vặt”, nhũng nhiễu gây bức xúc trong nhân dân.

“Người dân làm nhà, sửa nhà, kinh doanh, dịch vụ buôn bán được cơ quan chức năng cho phép. Nhưng nhiều lực lượng vẫn nhiều lần “hỏi thăm sức khỏe”, đặt vấn đề này, vấn đề khác nếu không sẽ thế này, sẽ thế khác, chưa nói chuyện phong bì, bữa ăn. Đây là một vấn đề nhức nhối”, ông Được phát biểu và cho rằng, cần phải chấn chỉnh để lấy lại lòng tin, tín nhiệm với dân.

Hương Giang