Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1 chiều tối ngày 2/2, báo chí đặt câu hỏi: “Liên quan đến dự án Kali Lào - dự án thua lỗ nghìn tỷ thứ 13 của ngành Công thương phương án xử lý dự án này như thế nào để giải cứu dự án, không ảnh hưởng mối quan hệ với nước bạn Lào?”.

Trả lời, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dự án Kali Lào do Tập đoàn Hoá chất Việt Nam làm chủ đầu tư và được thực hiện theo thỏa thuận lãnh đạo 2 nước.

Dự án mới vào bước chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên Bộ Công thương và Tập đoàn xét thấy nếu tiếp tục triển khai hiệu quả không đảm bảo, tiếp tục lỗ.

Theo ông Hải, nguyên nhân chính là giá thành đầu ra không được như mong đợi. Khi làm dự án tiền khả thi, dự đoán thời điểm đó 500 USD/tấn nay hạ chưa 300 USD/tấn, có lúc xuống chỉ 250 USD/tấn.

Trong khi quan điểm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các dự án kinh tế phải đảm bảo kinh tế nên Bộ Công thương đã họp với các bộ, ngành liên quan và đề xuất phương án xử lý dự án này.

“Chúng tôi đang chờ quyết định chính thức của Bộ Chính trị và sẽ thực hiện đúng theo chỉ đạo cũng như quy định của Bộ Chính trị và các quy định hiện hành. Điều hết sức quan trọng là cố gắng bảo đảm mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, đây là mối quan hệ hết sức tốt đẹp, truyền thống và rất đặc biệt”, ông Hải nhấn mạnh.

Số lượng dùng xăng E5 tăng rất nhanh

Liên quan đến chất lượng xăng E5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải hoàn toàn chia sẻ với sự lo ngại của người dân.

Nhưng, theo ông Hải, xăng E5 đã được sử dụng ở các nước phát triển từ rất lâu. Ở Việt Nam theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ ngày 1/1/2018 đã bán đại trà xăng E5 trên toàn quốc, trước đó chúng ta đã thực hiện thí điểm ở 7 tỉnh rồi tăng dần lên và hiện nay là trên toàn quốc.

Cho nên, cần tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp, nhiều cơ quan khác hiểu được xăng E5 phù hợp với các phương tiện giao thông chúng ta đang sử dụng. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thị trường bảo đảm chất lượng xăng E5 đúng tiêu chuẩn, không có gian lận thương mại, không bảo đảm chất lượng.

“Hơn 1 tháng qua, sản lượng tiêu thụ xăng E5 tăng nhanh, nhiều nơi tăng gấp 3. Dần dần, khi người dân thích nghi, lượng sử dụng sẽ tăng thêm nhiều”, Thứ trưởng Hải nói, khi người dân nắm được đầy đủ thông tin, quen dần với loại xăng này thì việc sử dụng sẽ đúng theo lộ trình Chính phủ đề ra.

Về việc có sửa Nghị định 83 về quản lý kinh doanh xăng dầu, theo ông Hải, trong quá trình thực hiện đã nhận được sự đánh giá tốt từ các cấp, ngành và người dân. Đáng lưu ý, tính công khai, minh bạch được đảm bảo.

Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, có thể phải rà soát lại, tiến tới sửa đổi. “Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là trong quý I/2018, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan khác trình Chính phủ xem xét liệu có sửa đổi Nghị định 83 hay không và sửa đổi liên quan nội dung gì”, ông Hải thông tin.

Mô hình “siêu Ủy ban” quản lý vốn Nhà nước sẽ khác SCIC

Liên quan đến việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, ngày 15/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương 

“Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ Nghị quyết thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước. Các thành viên Chính phủ đã đồng ý thông qua nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban này trong quý II/2018”, Thứ trưởng Phương thông tin.

Về mô hình của Uỷ ban này, ông Phương khẳng định, sẽ khác với Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

“SCIC là mô hình quản lý kinh doanh vốn còn đây là quản lý tổng thể tất cả tài sản 5 triệu tỉ đồng. Đó là định chế bao trùm và sẽ có những văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng”, ông Phương nói.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và giao cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng Tổ công tác. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm Tổ phó Thường trực.

Các Tổ phó khác gồm, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Các thành viên tổ công tác gồm: Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC và bà Hoàng Thị Ngân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ, Thư ký Tổ Công tác.

Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các công việc phục vụ việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và kết thúc nhiệm vụ khi hình thành được bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Thảo Nguyên