Một trong những điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực tư. 

Điều 80, Luật PCTN quy định rõ, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện phải công khai, minh bạch trong hoạt động, tổ chức; kiểm soát xung đột lợi ích và thực hiện chế độ trách nhiệm người đứng đầu.

Công khai minh bạch lương, thưởng

Hướng dẫn thi hành chi tiết điều này, Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định cụ thể nội dung công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà nước. 

Cụ thể là công khai, minh bạch việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, thành viên; chế độ lương, thưởng; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các chế độ phúc lợi xã hội khác; quy tắc ứng xử, điều lệ doanh nghiệp, tổ chức; công tác tổ chức, bố trí nhân sự và các nội dung khác phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật có liên quan.

Ngoài các nội dung trên, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện còn phải công khai, minh bạch các nội dung sau: Quy chế huy động, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp để hoạt động từ thiện; quyền lợi và nghĩa vụ của người đóng góp, người được hưởng lợi; mục đích huy động các khoản đóng góp để hoạt động từ thiện; đối tượng, hình thức và mức huy động các khoản đóng góp; kết quả huy động (danh sách các đối tượng đóng góp, tài trợ, hình thức và mức đóng góp, tài trợ của từng đối tượng); kết quả quản lý, sử dụng các khoản huy động vào mục đích từ thiện.

Thiết lập cơ chế tiếp nhận, xử lý xung đột lợi ích

Căn cứ vào quy định của Luật PCTN, Nghị định 59, pháp luật có liên quan quan và trên cơ sở phù hợp với đặc thù trong tổ chức, hoạt động của mình, doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước phải thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích. 

Đó là, phải quy định cụ thể các trường hợp xung đột lợi ích, trách nhiệm thông tin, báo cáo về các trường hợp xung đột lợi ích và công khai, phổ biến, tập huấn cho toàn thể người lao động, thành viên của doanh nghiệp, tổ chức. 

Quy định, thiết lập cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức, bao gồm việc giám sát và áp dụng các biện pháp phù hợp khác theo thẩm quyền để kiểm soát xung đột lợi ích.

Doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà nước phải có biện pháp bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động đã thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khi bị thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại. 

Cùng với đó, báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp xung đột lợi ích dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật cần phải ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

Nghị định 59 cũng quy định rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý.

Theo đó, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện phải quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý. 

Đồng thời, quy định hình thức xử lý trách nhiệm, các trường hợp được xem xét loại trừ, miễn, giảm hoặc bị tăng nặng trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý.

Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước còn phải quy định trình tự, thủ tục xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý.

Thảo Nguyên