Sáng 13/12, Đoàn công tác số 2 do ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng  ban Thường trực Ban Nội Chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Bộ Tài Nguyên và Môi trường về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý.

Theo báo cáo của thanh tra Bộ Tài Nguyên và Môi trường, công tác thu hồi tài sản tại các vụ án hình sự có liên quan đến lĩnh vực đất đai là một trong những khâu khó khăn trong công tác phòng chống tham nhũng. Người phạm tội thường có động cơ tẩu tán tài sản trước khi kê biên, thu hồi, gây cản trở khó khăn trong công tác thi hành án dẫn đến số tiền, diện tích đất đai, nhà cửa Tòa án tuyên nhưng chưa được thực hiện đảm bảo theo bản án đã tuyên phạt...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, hiện nay còn nhiều kẽ hở về luật pháp dễ dẫn tới nguy cơ tham nhũng, mặc dù đã có luật nhà ở, luật công sản và luật đất đai nhưng một số lĩnh vực vẫn chưa phân định rõ trách nhiệm quản lý.

“Ví như hiện nay không hiểu cơ quan nào chịu trách nhiệm trong vấn đề sử dụng đất đai nông lâm trường. Đây là khu vực ẩn chứa rất nhiều vấn đề liên quan đến nguy cơ tham nhũng và đã xảy ra tham nhũng vì không rõ ai, cơ quan nào quản lý”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn chứng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng đánh giá, ngành tài nguyên môi trường đã tích cực phối hợp trong ban hành các văn bản về công tác phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Tích cực tham gia giám định tài sản đất đai có liên quan trong các vụ án.

Để kiểm tra giám sát công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế liên quan đến lĩnh vực ngành Tài nguyên Môi trường quản lý, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục có các cuộc làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường trong thời gian tới.

Ông Võ Văn Dũng đề nghị Bộ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất cụ thể hơn các giải pháp. Bộ đã nêu ra 11 giải pháp, nhưng cần cố gắng định lượng thêm, xung quanh vấn đề quản lý đất đai. Về giao dịch, chuyển nhượng, để người khác đứng tên, định giá, đấu giá… làm thế nào để khắc phục được tình trạng quản lý đất không chặt, đất đai bị thất thoát, lãng phí”.

Theo Nguyên Nhung/VOV1