Tại cuộc họp, đại diện đơn vị tư vấn (do Ngân hàng Thế giới lựa chọn) đã trình bày báo cáo chi tiết về phương án tiến hành điều tra, nội dung mẫu phiếu điều tra. Theo đó, cuộc điều tra lần này sẽ lấy cuộc khảo sát do Ban Nội chính Trung ương thực hiện năm 2005 làm cơ sở với mục tiêu tiến hành khảo sát về mức độ trải nghiệm và nhận thức của các đối tượng về tham nhũng và công tác PCTN; cung cấp thông tin đánh giá thực trạng xu hướng thay đổi trong hành vi tham nhũng, những ngành, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng… và đưa ra khuyến nghị nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

Dự kiến, cuộc điều tra sẽ phát 5.450 phiếu tới khối công chức, viên chức Nhà nước; khối doanh nghiệp; các cá nhân tại 10 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Sơn La, Hải Dương, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đồng Tháp,  Đà Nẵng, Cần Thơ và 5 Bộ, gồm: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Công thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường.
 

 
Tại cuộc họp, ông Đỗ Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Theo dõi khiếu nại, tố cáo và PCTN, Văn phòng Chính phủ cho rằng, cần hoàn chỉnh đề cương báo cáo kết quả điều tra để xác định rõ những nội dung, mục tiêu tiến hành.

Còn theo ông Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, cần chọn các đối tượng khảo sát cho phù hợp, cần tăng đối tượng là những người dân bình thường.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tham gia đóng góp nhiều ý kiến về một số nội dung còn khó khăn vướng mắc như cơ sở pháp lý; phương pháp triển khai; nội dung của các mẫu phiếu khảo sát; việc sử dụng kết quả của cuộc điều tra...

Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng, Trưởng ban Cố vấn đề nghị tổ công tác, đơn vị tư vấn nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Đồng thời khẳng định sẽ phối hợp, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn cùng các đơn vị trong quá trình triển khai điều tra.

Dự kiến, báo cáo kết quả cuộc điều tra xã hội học PCTN sẽ được hoàn thiện trong tháng 6/2012.

Phạm Duy