Xử lý tương tự như khu vực Nhà nước là chưa phù hợp

Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) trình Quốc hội (QH) tại Kỳ họp 5 (tháng 5/2018) quy định: Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội căn cứ quy định của Luật này có trách nhiệm tự quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập của những người giữ chức vụ quản lý, điều hành trong công ty, tổ chức mình; Ban kiểm soát của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng; Ban kiểm tra của tổ chức xã hội thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập trong công ty, tổ chức mình.

Theo nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) QH, không nên quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của những người giữ chức vụ quản lý trong doanh nghiệp và tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà nước.

Nghiên cứu kỹ, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, việc yêu cầu những người giữ chức vụ quản lý, điều hành trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội phải kê khai, công khai bản kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập và bị xử lý nếu không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm tương tự như đối với khu vực Nhà nước là chưa phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Việc kê khai và công khai thu nhập của những người giữ chức vụ quản lý, điều hành trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước đã được Luật Doanh nghiệp, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán quy định cụ thể nên việc quy định lại trong Luật PCTN là không cần thiết.

Mặt khác, việc coi ban kiểm soát của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và ban kiểm tra của tổ chức xã hội có chức năng như cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập (các ban này có cả thẩm quyền yêu cầu ngân hàng, kho bạc, cơ quan thuế, quản lý nhà đất... cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập) cũng không phù hợp vì đây không phải là các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tán thành với nhiều ý kiến ĐBQH, trước đó, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án luật đã đề nghị, bỏ quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập tại công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà nước.

Có dấu hiệu rõ ràng vi phạm mới thanh tra…

Liên quan đến thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với khu vực ngoài Nhà nước, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị quy định chặt chẽ về thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục để tránh lạm quyền.

Theo Ủy ban Tư pháp, dự thảo Luật đã quy định công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà nước thực hiện một số quy định về phòng ngừa tham nhũng. Do đó, việc giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra cấp tỉnh thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng ngừa tham nhũng đối với các doanh nghiệp, tổ chức này là cần thiết nhằm bảo đảm việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng.

Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật chuyên ngành cũng đã có các quy định về thanh tra chuyên ngành, về công khai hoạt động, công bố thông tin đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng…

Để việc thanh tra về công tác PCTN không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án đề nghị chỉnh lý dự thảo theo hướng: quy định chặt chẽ căn cứ thanh tra.

Theo đó, “khi có dấu hiệu rõ ràng về việc vi phạm” các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích và trách nhiệm của người đứng đầu trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và trong tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện thì mới thanh tra.

Trình tự, thủ tục thanh tra phòng ngừa tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước được thực hiện theo Luật Thanh tra. Đồng thời, để tránh việc một doanh nghiệp, tổ chức xã hội bị thanh tra nhiều lần bởi nhiều cơ quan thanh tra khác nhau về cùng một nội dung, dự thảo Luật quy định, giao Thanh tra Chính phủ hướng dẫn xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.

Theo chương trình phiên họp thứ 26, chiều nay (10/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật PCTN (sửa đổi). 

Thảo Nguyên