Sáng nay 25/10, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng  (PCTN) (sửa đổi). Đây là kỳ họp thứ 3, QH thảo luận, cho ý kiến và sẽ xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra hôm qua (24/10), ông Nguyễn Tiến Sinh, Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình nhận định, dự án Luật PCTN (sửa đổi) trình ra để QH xem xét thông qua có những điểm rất mới, đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, cũng như kiểm soát được hành vi tham nhũng.

Theo ĐB Sinh, hiện vấn đề còn ý kiến khác nhau nhiều nhất là việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Dự thảo luật trình ra QH đề xuất 2 phương án (giải quyết tại tòa và thu thuế thu nhập cá nhân).

Tham nhũng cũng vì lợi ích vật chất

+ Quan điểm của ông về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc như thế nào?

Ở đây cần phải hiểu rõ, tài sản không giải trình được hợp ý về nguồn gốc, chứ không phải là tài sản tham nhũng, tài sản do hành vi tham nhũng mà có.

Nếu chúng ta kết luận được đây là tài sản tham nhũng, tài sản có được do hành vi phạm tội mà có thì đương nhiên xử lý bằng con đường hình sự và phải tịch thu. Điều này không có gì khó khăn, pháp luật hiện hành đã quy định rồi.

Câu chuyện ở đây là, người có tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Nhà nước cũng không chứng minh được khối tài sản lớn đó do tham nhũng mà có nhưng không thể suy đoán theo kiểu anh không chứng minh được thì đó tài sản tham nhũng.

Thực tế, người ta tham nhũng cũng vì lợi ích, đặc biệt là lợi ích vật chất. Cho nên, để PCTN hiệu quả thì phải truy đến cùng, nghĩa là phải đánh vào tài sản. Điều này, vừa có tính chất phòng ngừa, vừa có tính chất chống vì muốn tham nhũng cũng không được do phải đối mặt với những rủi ro của pháp luật nếu không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Dự thảo luật đề xuất 2 phương án. Mỗi phương án này tôi thấy đều có những ưu điểm, nhược điểm, nhất là còn có những điều chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

+ Xin ông nói rõ hơn về những điều chưa phù hợp này?

Trước hết về phương án đánh thuế. Hiện nay, pháp luật không buộc mọi công dân đều phải kê khai tài sản, thu nhập, cũng như không phải giải trình về nguồn gốc.

Cho nên, dù có tài sản “lù lù ở đó”, người dân không buộc phải chứng minh nguồn gốc, nên không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế. Trong khi đó, cán bộ, công chức cũng là công dân, nếu không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì phải nộp thuế. Điều này, tạo ra sự không bình đẳng giữa các quy định pháp luật.

Một vấn đề nữa, tài sản tuyệt đại đa số là tài sản chung trong 1 gia đình. Muốn đánh thuế được tài sản tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì phải xác định được đâu là tài sản của người có nghĩa vụ kê khai, đâu là tài sản chung với những người khác trong gia đình.

Ví dụ, tôi giải trình, mảnh đất 1.000 m2 của tôi mua được bằng nguồn tiền của vợ, con. Nếu xác định 1.000m2 đó là của ông Sinh để đánh thuế thì không hợp lý vì còn của vợ, con ông ấy. Cho nên muốn xác định được sở hữu chung theo phần, sở hữu chung hợp nhất thì phải do cơ quan tài phán là tòa án quyết định.

Còn phương án khởi kiện ra tòa thì ai là bên khởi kiện ra tòa và đứng ở góc độ nào để khởi kiện cần phải làm cho rõ. Mà cơ quan chức năng muốn khởi kiện tôi ra tòa thì phải chứng minh tài sản tôi có được không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Rồi tòa căn cứ vào quy trình tố tụng nào để kết luận rằng tài sản này buộc phải có biện pháp xử ly và xử lý như thế nào cũng là câu chuyện.

Ví dụ, tòa tuyên, tôi có 1 chiếc ô tô không giải trình được hợp lý về nguồn gốc nên thu. Nhưng trở lại, nếu chiếc ô tô là tài sản chung của gia đình thì phải xử lý phần sở hữu chung thì mới có thể áp dụng các biện pháp thi hành án.

Tài sản không phải từ trên trời rơi xuống

+ Vậy trong hai phương án trình là QH xem xét lần này, ông nghiêng về phương án nào?

Thú thực, cả 2 phương án tôi đều chưa yên tâm. Nhưng tôi nghĩ, phương án qua con đường tòa án phù hợp với hệ thống pháp luật hiện nay hơn.

Hiện, rất nhiều ĐBQH và người dân kỳ vọng rằng, Luật PCTN này sẽ hạn chế được tình trạng tham nhũng, đặc biệt là sẽ xử lý được tài sản không chứng minh được nguồn gốc.

Nhưng tôi cho rằng, không chỉ trông chờ vào luật này mà cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật như Luật Cán bộ Công chức, Luật Đầu tư công… để mỗi hành vi của cán bộ công chức có nguy cơ tham nhũng đều được giám sát, quản lý chặt chẽ.

Người dân mong muốn, tất cả hành vi tham nhũng từ nhỏ đến lớn đều phải được xử lý nghiêm minh và làm đến cùng, không phải chỉ xử lý hành vi tham nhũng, mà phải thu hồi được khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có.

Tài sản không phải từ trên trời rơi xuống mà đều có dấu vết của sự hình thành. Anh lấy ở đâu, do đâu. Tôi nghĩ, với trình độ điều tra của lực lượng chức năng đủ sức để chứng minh.

+ Có ý kiến cho rằng, để tránh tình trạng chuyển tài sản tham nhũng cho người thân, cần bổ sung quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản của bố/mẹ, con thành niên?

Ở đây, chúng ta phải xác định kê khai để làm gì và khả năng của chúng ta làm được gì với bản kê khai đó, chúng ta quản như thế nào, đó là điều quan trọng.

Pháp luật hiện hành, không buộc người không thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập phải chứng minh nguồn gốc, trừ trường hợp người đó có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật đang được cơ quan chức năng thụ lý.

Cho nên, mở rộng phạm vi kê khai thì không quản lý xuể và cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cũng không thể chứng minh được kê khai đó có đúng không. Không một cơ quan thanh tra, kiểm tra nào lại về quê để yêu cầu một người dân kê khai chính xác mình có tài sản bao nhiêu vì con ông ấy là cán bộ kê khai thế này. Pháp luật không cho phép!

Kể cả một ông cụ có rất nhiều tiền, nhiều tài sản thì cũng không thể buộc người đó phải chứng minh nguồn gốc do đâu mà có, không thể suy diễn theo cách cái này là do vợ/chồng/con ông tham nhũng mà có.

Còn nếu người ta vi phạm pháp luật, chúng ta chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có, do hành vi vi phạm pháp luật mà có thì pháp luật đã quy định rồi như biệt thự trên Tam Đảo của Trịnh Xuân Thanh chúng ta đã xử lý rồi dù đứng tên ông bố.

+ Xin cảm ơn ông!

Phương án 1: Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định.

Phương án 2: Trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

 Hương Giang