Tại phiên chất vấn sáng 4/6, ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đánh giá, thời gian qua, ngành Công an đã đấu tranh phòng chống tội phạm đạt nhiều kết quả.

Tuy nhiên ông băn khoăn về tình trạng đối tượng vi phạm là người có chức, có quyền, có tiền có xu hướng ngày càng tăng.

“Khi vụ việc xảy ra khởi tố vụ án, khởi tố bị can cử tri cho rằng không kịp thời hoặc quá chậm để tội phạm bỏ trốn, cơ quan điều tra phải phát lệnh truy nã. Cử tri lo ngại tính nghiêm minh của pháp luật. Xin Bộ trưởng cho biết suy nghĩ của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? Có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?", ĐB đoàn Lâm Đồng hỏi.

Chung mối quan tâm, ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) nêu, khi khởi tố vụ án thì những đối tượng có tiền, có vị trí đã bỏ trốn.

“Vậy có hiện tượng lộ, lọt thông tin hoặc bảo kê cho tội phạm bỏ trốn không và giải pháp cho vấn đề này?”, ĐB Mai chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, pháp luật đã quy định những trường hợp bắt giữ đối tượng như bắt khẩn cấp, bắt quả tang, bắt theo trường hợp thông thường theo các quyết định của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát với những quy trình chặt chẽ.

"Chúng ta cũng tăng cường đề phòng trường hợp bắt nhầm, bắt oan nên các quy định không cho phép lực lượng Công an bắt các đối tượng khi chưa chứng minh được hành vi phạm tội hoặc đối tượng chưa bị khởi tố”, Bộ trưởng giải thích.

Theo ông Tô Lâm, đây đang là 1 khó khăn. "Chúng tôi đang đề nghị sửa đổi để đề phòng các đối tượng bỏ trốn nhưng cũng không để bắt oan cho người vô tội", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng thông tin thêm, người phạm tội trước khi gây án đều có tính tới việc chạy tội, trốn tội nên cần có các giải pháp để ngăn chặn.

Cũng theo Bộ trưởng, tới đây sẽ đưa ra các giải pháp, trong đó Bộ luật Tố tụng Hình sự phải có quy định phù hợp yêu cầu để làm sao vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ công dân vừa không bỏ lọt tội phạm.

“Về phía ngành Công an cũng sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ mà pháp luật cho phép nhằm quản lý được các đối tượng ngay từ đầu”, Bộ trưởng Công an cho biết.

Trước đó, trong phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, nhiều ĐBQH lưu ý, phải thiết kế các quy định để “chặn” được tình trạng bỏ trốn như ông chủ Nhật Cường Mobile, Vũ Đình Duy …

“Tất cả các đối tượng liên quan đến các vụ án đang được xem xét, điều tra phải cấm xuất cảnh, phải đề phòng vì thực tiễn đã xảy ra, lại toàn trường hợp “đầu to”. Có dấu hiệu rồi mà đi không biết là sơ hở to lớn”, ông Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nhấn mạnh.

Theo ĐB Nhưỡng, khi các đối tượng bỏ trốn thì Nhà nước sẽ mất nhiều tiền của, công sức, lại tạo ra dư luận không tin tưởng vào hoạt động của chúng ta.

Gần đây, vụ việc ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy bỏ trốn trước khi bị khởi tố nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Tại họp báo Chính phủ mới đây, Chánh Văn phòng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế với Bùi Quang Huy.

“Hiện nay chúng tôi đang điều tra, làm rõ, cổng thông tin điện tử Bộ Công an đã kêu gọi Bùi Quang Huy ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Những vấn đề nóng, báo chí quan tâm sẽ được làm rõ trong quá trình điều tra”, Người phát ngôn Bộ Công an cho hay.

Vụ việc tương tự là trường hợp của Vũ Đình Duy, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) bị cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an ra quyết định truy nã đến nay vẫn chưa bắt được.

 H.Giang