Theo đề án, từ nay đến năm 2021, phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về 11 nội dung PCTN, như thực trạng, nguyên nhân, điều kiện tham nhũng và giải pháp PCTN; ý nghĩa, tầm quan trọng của PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính; tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức liêm chính và PCTN; quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN.

 Tuyên truyền, phổ biến Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trọng tâm là các quy định mới về hành vi tham nhũng; PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật về PCTN…

 Với Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu từ nay đến năm 2020, phải tổ chức biên soạn, phát hành các cuốn sách có nội dung: Pháp luật về PCTN; kinh nghiệm quốc tế về PCTN; giáo dục liêm chính cho thanh, thiếu niên; vai trò của xã hội trong PCTN, bảo vệ người tố cáo tham nhũng; minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ…

Trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, công tác đấu tranh PCTN, lãng phí được đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn và đạt những kết quả toàn diện, để lại dấu ấn đậm nét. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm.Đặc biệt, đã xử lý quyết liệt, nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên sai phạm, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang, kể cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật bất kể người vi phạm là ai.

Cùng với đó, thường xuyên biên soạn, phát hành tờ rơi bằng 5 tiếng dân tộc thiểu số, chuyển tải kiến thức phổ thông về pháp luật PCTN; hoàn thiện nội dung, hình thức chuyên trang PCTN trên Cổng thông tin điện tử của TTCP; tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại, nói chuyện chuyên đề có nội dung, chủ đề về PCTN…

Đáng chú ý, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì tổ chức hội nghị toàn quốc biểu dương người tốt, việc tốt trong PCTN vào năm 2021. 

Sau khi Luật PCTN năm 2018 được ban hành, là cơ quan thực hiện vai trò quản lý Nhà nước trong công tác PCTN, Thanh tra Chính phủ đã quán triệt các nội dung của Luật PCTN năm 2018, những điểm chung và những điểm mới của Luật; quy định về PCTN trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; chế độ, trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của xã hội trong PCTN; việc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước khi giải quyết công việc với công dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN...

 Cùng với đó, các Bộ, ngành Trung ương, địa phương đã tích cực tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung và hướng dẫn thi hành Luật PCTN. Từ 1/7/2019, Luật có hiệu lực thi hành, trên Báo Thanh tra đã đăng tải tuyên truyền hàng trăm bài viết phản ánh, điều tra trong các lĩnh vực về PCTN. Trong đó nhiều Bộ, ngành địa phương đã tích cực được ghi nhận là đơn vị chủ động tập trung triền khai công tác tuyên truyền thực hiện PCTN thực sự đưa PCTN đi vào hơi thở cuộc sống.  

*Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật PCTN năm 2018 trong Công an nhân dân (CAND) theo hình thức trực tuyến từ Hội trường Trung tâm Thông tin chỉ huy Bộ Công an đến Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: CAND

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an đề nghị thời gian tới Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật PCTN năm 2018 tại đơn vị, địa phương theo Kế hoạch của Bộ giao; khẩn trương tổ chức việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy có liên quan để cập nhật các quy định mới của Luật PCTN năm 2018 và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngày 17/6/2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Công điện số 724/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ yêu cầu quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng vềPCTN, LuậtPCTNnăm 2018, các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư,Chủ tịch nước,Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương vềPCTN, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Ngày 1/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019 NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành LuậtPCTNvà có hiệu lực từ ngày 15/8/2019.

Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục chủ động phối hợp với Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và các cơ quan báo chí ở Trung ương, địa phương xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật PCTN năm 2018 đến cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham mưu, tham gia thực hiện công tác PCTN trong CAND.

* Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng đã nhấn mạnh tại hội nghị tổ chức tuyền truyền Luật PCTN: Việc học tập, nghiên cứu, thực hiện Luật sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị về công tác PCTN. Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác PCTN cho đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra, tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định mới của Luật PCTN năm 2018. Tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác PCTN, tạo sức mạnh tổng hợp trong việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, góp phần ổn định tình hình chính trị của tỉnh.

* Phát biểu tại hội nghị ngày 10/7/2019, Chánh Thanh tra TP Hải Phòng Nguyễn Hải Bình cho rằng: Luật PCTN năm 2018 khắc phục những bất cập của Luật PCTN năm 2005 đã được sửa đổi năm 2007 và 2012 một số biện pháp còn mang tính hình thức; thiếu cơ chế đảm bảo thi hành và xử lý vi phạm pháp luật dẫn đến hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu tranh PCTN còn hạn chế. Việc ban hành Luật PCTN mới đã thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về PCTN trong giai đoạn mới. Đặc biệt là từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước; kiểm soát có hiệu quả về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu.

* Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang Trương Văn Nam cho biết: thời gian tới, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tỉnh Bắc Giang sẽ dễ dàng tiếp cận các nội dung quy định của Luật PCTN năm 2018 và các quy định pháp luật liên quan một cách đồng bộ, hiệu quả thông qua các hình thức tuyên truyền phổ biến do tỉnh triển khai. Tỉnh sẽ tổ chức thông tin, truyền thông các nội dung của Luật trên các phương tiện thông tin, truyền thông. Các hình thức tuyên truyền sẽ được tổ chức linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị để cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người lao động có cơ hội tham gia nghiên cứu, học tập, tìm hiểu về Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

*Tại tỉnh Bạc Liệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Thị Sang đã đề nghị các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, UBND các huyện thị, thành phố tổ chức quán triệt nội dung Luật PCTN năm 2018 đến các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị quản lý.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai Luật PCTN năm 2018 và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật PCTN và Luật Tố cáo năm 2018 của tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: PLVN

 

Bên cạnh đó, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh và cấp huyện có kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật về các nội dung của Luật PCTN năm 2018 để triển khai sâu rộng đến toàn thể nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục PCTN (Thanh tra Chính phủ), Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng thêm thẩm quyền, phạm vi thanh tra, không chỉ dừng trong phạm vi các cơ quan Nhà nước mà có thể “bơi” đến các tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước. Tuy nhiên, Luật cũng đặt ra yêu cầu rất cao đối với cơ quan Thanh tra, đoàn thanh tra nếu không làm tròn nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm bỏ lọt hành vi tham nhũng. Vì vậy, Thanh tra các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu, quán triệt kỹ các quy định của luật. Nhất là, phải tăng cường tuyên truyền phổ biến Luật PCTN năm 2018 để doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước hiểu rõ quy định pháp luật, để khi triển khai thực hiện vừa nhận được sự ủng hộ, hợp tác của các cơ quan, đơn vị khu vực ngoài Nhà nước, vừa tránh được tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu.

Bộ, ngành tập trung triển khai công tác PCTN

Theo Điều 83 của Luật PCTN thì trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng.Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về công tác PCTN trong phạm vi cả nước. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra Chính phủ quản lý Nhà nước về công tác PCTN. Để thực thi Luật PCTN,chủ động phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp sau:

Thứ nhất,bộ, ngành quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về PCTN, trong đó cần có kế hoạch triển khai Luật PCTN năm 2018. Người đứng đầu bộ, ngành phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước; phải coi đấu tranh PCTN là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặc biệt quan trọng và lấy làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của từng cơ quan, đơn vị.

Thứ hai,đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật. Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn nghiệp vụ. Cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường… bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, "vòi vĩnh", "chung chi", phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.

Thứ ba,từng bộ, ngành phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm.

Thứ tư,người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật có yếu tố nhạy cảm cao trong việc chấp hành những quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong thực thi công vụ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật; định kỳ luân chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định; đồng thời, lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra viên…

Thứ năm,phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí và nhân dân trong việc phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Trần Minh Sơn - Bộ Tư Pháp



Song Anh