Công khai, minh bạch trong đấu thầu

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đấu thầu trang thiết bị vật tư tiêu hao, bên cạnh việc thanh tra thì vấn đề quan trọng là phải xây dựng được kế hoạch, cấu hình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu làm sao công khai, minh bạch. Thế nhưng, hàng năm vẫn có một số nơi xảy ra khiếu kiện, thắc mắc, thậm chí là tố cáo sau đấu thầu.

Thực hiện công tác PCTN, Bộ Y tế đang làm thí điểm, đấu thầu tập trung theo nghị định đấu thầu của Chính phủ. Việc đấu thầu mua thuốc tập trung Quốc gia được Bộ Y tế thực hiện từ năm 2017. Kết quả đấu thầu lần 1 năm 2017 đối với 5 hoạt chất đã tiết kiệm được 17% so với giá kế hoạch. Trong đó, các biệt dược tiết kiệm được khoảng 6,9% so với giá kế hoạch gói thầu; các thuốc generic tiết kiệm được 33% so với giá kế hoạch.

Về công tác đấu thầu trong ngành Y tế, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát hạ tầng, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đấu thầu qua mạng. Từ năm 2018 trở đi, thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 40% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 30% các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế; tăng cường giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện Chỉ thị 47 đối với các chủ đầu tư, bên mời thầu để những chính sách này thực sự đi vào đời sống.

Bà Tiến cũng cho biết, để thực hiện có hiệu quả Luật PCTN trong ngành Y, trước hết, nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị... Đồng thời, cần phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và nhân dân trong việc nâng cao nhận thức, phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng.

“Cần xây dựng kế hoạch, cấu hình, giá thành đấu thầu dựa trên tinh thần công khai, minh bạch, lựa chọn những nhà thầu tốt nhất, giá cả hợp lý tạo điều kiện cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Theo đánh giá, ngoài đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực y tế còn đang tồn tại khá phổ biến, ở hầu hết các lĩnh vực, vị trí. Vẫn còn một số cơ sở khám chữa bệnh thực hiện không đúng các chế độ thanh toán chi phí điều trị bảo hiểm y tế, lợi dụng chính sách miễn, giảm viện phí cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi... để chi sai chế độ.

Bên cạnh đó, hiện tượng cán bộ, nhân viên ở các bệnh viện lấy thuốc, vật tư của Nhà nước đem ra thị trường bán chia nhau tiền vẫn tồn tại. Phổ biến nhất là tình trạng các nhân viên y tế lợi dụng quyền hạn, có biểu hiện vòi vĩnh, nhũng nhiễu để nhận “phong bì” từ người bệnh. Hay hành vi bóc lột người bệnh bằng cách lợi dụng nghề nghiệp kê đơn thuốc cho bệnh nhân với nhiều loại thuốc ngoại đắt tiền, không thật sự cần thiết để hưởng hoa hồng hoặc nhận quà của các cơ sở kinh doanh dược phẩm... Hậu quả của tham nhũng trong y tế là cá nhân người bệnh phải gánh lấy, mà đa phần người bệnh vốn dĩ đã là người nghèo.

Tăng cường kiểm tra, xử lý kỷ luật

Để ngăn ngừa tham nhũng trong ngành Y tế, thời gian qua, nhiều chuyên gia đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện hơn khung pháp lý nhằm thúc đẩy sự minh bạch trong y tế. Đồng thời tăng cường kiểm tra và xử lý kỷ luật nghiêm với y bác sĩ có hành vi tiêu cực, buộc giám đốc, người quản lý cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử về những chuẩn mực chăm sóc bệnh nhân và mối quan hệ giữa bác sĩ - người bệnh. Cùng với đó phải thay đổi phương pháp đào tạo để tạo lập thái độ ứng xử chuyên nghiệp và khả năng tự chịu trách nhiệm nghề nghiệp của những người hành nghề.  

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, Ban Chỉ đạo PCTN Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành nâng cao y đức, thường xuyên kiểm tra trách nhiệm và tăng cường kỷ luật trong công tác khám, chữa bệnh và dịch vụ y tế nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn.

Báo cáo công tác PCTN năm 2017 của Bộ Y tế cho thấy, công tác PCTN có nhiều tiến bộ so với cùng kỳ năm trước. Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong năm báo cáo chưa phát hiện cá nhân, đơn vị tham nhũng. Bằng các giải pháp phòng ngừa và thanh, kiểm tra thường xuyên đã góp phần chấn chỉnh kịp thời các khiếm khuyết, tồn tại của công tác quản lý, giảm thiểu nguy cơ tham nhũng lãng phí tại cơ quan, đơn vị trong ngành.

Bộ Y tế cũng thực hiện nghiêm công tác thu hồi tài sản đối với các đối tượng có kiến nghị phải thu hồi tài sản qua công tác thanh tra, đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan chức năng khác để thực hiện công tác này.

Mặc dù vậy, theo Thanh tra Bộ Y tế, quá trình thực hiện công tác PCTN của Bộ vẫn còn một số khó khăn. Trong đó, Ban Chỉ đạo PCTN của Bộ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không có biên chế cán bộ hoạt động chuyên trách. Cán bộ làm công tác PCTN công tác chuyên môn nhiều, thời gian dành cho công tác PCTN còn hạn chế. Cùng với đó, công tác PCTN rất phức tạp, khó khăn nhưng cán bộ làm công tác PCTN chưa được sự quan tâm thỏa đáng trong điều kiện đời sống khó khăn hiện nay.

Ông Đặng Văn Chính, Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN, Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, nhằm triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác đấu thầu và tập huấn công tác đấu thầu toàn quốc năm 2018, Bộ Y tế vừa ban hành kế hoạch thực hiện công tác PCTN đến năm 2021, trong đó tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, các tổ chức đoàn thể trong công tác PCTN; tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức, hoàn thiện thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ; kiểm soát tài sản, thu nhập, tăng cường công khai, minh bạch trong thực hiện công vụ; hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đảm bảo công khai minh bạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.

Phương Anh