“Vẽ” dự án nhanh, triển khai chậm, sai sót nhiều…

+ Tình trạng đội vốn công trình đầu tư công vẫn chưa được khắc phục, thậm chí theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, có dự án “đội vốn” đến 39 lần. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

- Theo Luật Đầu tư công, tất cả các công trình phải đưa vào kế hoạch dài hạn 5 năm. Và để triển khai được một dự án phải tùy thuộc vào từng khâu. Phân vốn cũng chỉ là giai đoạn đầu.

Duyệt vốn xong rồi, khi triển khai, tất cả phải được lập trình từ dưới lên trên. Trường hợp dự án chuyển xuống dưới, chủ đầu tư phải lập thiết kế, trình Bộ Xây dựng thẩm định. Bước tiếp theo là tổ chức đấu thầu, triển khai dự án.

Nếu có vướng mắc như liên quan đến việc điều chỉnh vốn lại phải báo cáo Bộ Kế hoạch Đầu tư, rồi thẩm định lại và khâu này còn mất thời gian hơn cả khâu thẩm định ban đầu.

Làm 1 công trình của tư nhân khác hoàn toàn đầu tư dự án công. Chẳng hạn, tôi làm cái nhà, tiền của tôi, khi có sự thay đổi tôi quyết được ngay. Nhưng với vốn đầu tư công nếu có thay đổi thì phải làm lại quy trình. Mà mỗi năm có tới 2 nghìn công trình trên toàn quốc tập trung vào 2 Bộ nên dự án chậm.

Rồi các vấn đề liên quan đến kỷ cương, trách nhiệm, quá trình triển khai của chủ đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng… Tất tần tật các nguyên nhân cộng lại dẫn đến chậm dự án, đội vốn kéo dài. Nếu tiền đầu tư của anh thì anh thấy xót, nên phải tiết kiệm, làm cho nhanh. Nhưng tiền đầu tư công là tiền của nhân dân, mà Nhà nước lại đại diện cho nhân dân, cho nên là nó xa.

+ Theo quy định mới, các địa phương hoàn toàn có thể tự quyết nên phải dự trù được những vấn đề phát sinh?

- Không hẳn như vậy! Chúng ta làm ngôi nhà của mình, dù ban đầu đã dự trù rất chuẩn rồi, thuê thiết kế đâu vào đó rồi, nhưng khi triển khai có đảm bảo không phát sinh không?

Tất cả các dự án đầu tư công hiện nay đa số phải điều chỉnh, có dự án “cá biệt” phải điều chỉnh đến 39 lần tổng mức đầu tư như Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), còn điều chỉnh 5 - 6 lần là hết sức bình thường.

Có thể thấy, đầu tư công với đầu tư tư nhân có nhiều cái trái chiều. Một là đầu tư công, làm (vẽ) dự án rất nhanh, đến khi triển khai thì rất chậm, sai sót rất nhiều, hiệu quả rất thấp. Còn đầu tư tư, người ta muốn làm cái gì thì họ chuẩn bị rất kỹ, triển khai rất nhanh, nên hiệu quả cao.

Tức là ở đây, khối đầu tư công có chuyện “vẽ” dự án ra rồi đặt vào đấy, còn chuyện phát sinh vốn này nọ thì tính sau. Từ đó, dẫn đến rất nhiều hệ lụy, vốn càng “đẻ” ra, hiệu quả càng thấp đi, điển hình như dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng vô vàn công trình dự án khác.

Chưa thấy ai chịu trách nhiệm, hậu quả “đổ đầu” người dân

+ Dự án đầu tư công đội vốn, triển khai chậm, hiệu quả thấp đã diễn ra từ lâu, năm này rồi qua năm khác, làm thế nào để khắc phục được tình trạng này?

- Khắc phục tình trạng này vẫn là câu chuyện kỷ cương. Không thể đội vốn chẳng ai làm sao cả, kéo dài dự án cũng chẳng ai sao cả.

Vốn đầu tư phân cho người đứng đầu các bộ và địa phương, rồi đến các chủ đầu tư, người quản lý cụ thể. Nhưng, tôi chưa thấy một trường hợp nào triển khai chậm, kéo dài dự án, tăng vốn đầu tư mà bị kỷ luật cả, trừ trường hợp tham nhũng. Cuối cùng là đổ hết lên đầu người dân.

Cho nên, điều quan trọng nhất ở đây chính là kỷ cương, chế tài, trách nhiệm công vụ. Đầu tư công là công chức thực hiện, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, nhưng cái này làm chưa được, cần phải chấn chỉnh.

+ Riêng với hai dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tục xảy ra đội vốn, kéo dài, giảm hiệu quả đầu tư. Theo ông, lỗi này thuộc về ai và ai phải chịu trách nhiệm?

- Tôi cho rằng, cả hai dự án này, lỗi khách quan và chủ quan đều có. Khi triển khai dự án, bao giờ cũng xuất hiện những yếu tố phát sinh mà chúng ta không thể lường trước được. Đó là yếu tố khách quan.

Nhưng về chủ quan, tôi cho rằng có việc làm không hết trách nhiệm của những người thực thi công vụ, dẫn đến đội vốn, kéo dài thời gian. Khi xảy ra như vậy, người ta lại có rất nhiều lý do để giải trình một cách rất thuyết phục. Nhưng xin thưa, kể cả có giải thích thuyết phục đi chăng nữa thì anh vẫn phải chịu trách nhiệm về việc đó. Nhưng ở đây lại chẳng ai chịu trách nhiệm cả.

Ở một số nước, là Bộ trưởng của một ngành mà để xảy ra việc gì đó tác động xấu đến xã hội, dù họ không trực tiếp gây ra nhưng người ta cũng từ chức ngay. Còn ở mình là cả một câu chuyện, kiểm điểm tận nơi, tận chốn rồi cũng chẳng sao cả, chỉ rút kinh nghiệm và rút kinh nghiệm sâu sắc là hết.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đến nay vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại. Ảnh: Việt Linh

+ Như vậy, cần phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm người ký phê duyệt dự án, thưa ông?

- Tôi nhớ không nhầm, Chính phủ đã có quy định về trách nhiệm người đứng đầu, nhưng thực tế chưa xử lý được ai nếu “không bắt được tận tay” có sai phạm. Còn người ký quyết định phê duyệt thì sẽ có lý do, “tôi ký, nhưng do cấp dưới làm chậm”, nên cùng lắm cũng chỉ liên đới trách nhiệm, rút kinh nghiệm là xong. Thực tế của chúng ta hiện đang là như vậy.

+ Xin cảm ơn ông!

Nhiều dự ánđiều chỉnh vốn lớn so với phê duyệt lần đầu

Theo báo cáo kết quả kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thì hiệu quả sử dụng chưa tương xứng, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư; các định mức, đơn giá vật tư đặc thù quá cao, tổng mức đầu tư thay đổi nhiều lần, giải ngân chậm.

Cụ thể, việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài như dự án đường sắt đô thịCát Linh - Hà Đông (Hà Nội) phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc 13.751 tỷ đồng chiếm 77%tổng mức đầu tư.

Còn dự ánxây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên thì phải sử dụng hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc từ Nhật Bản từ 30% trở lên, nhà thầu chính phải là nhà thầu Nhật Bản.

Đáng lưu ý, dự án này còn đàm phán nhiều điều khoản bất lợi trong hợp đồng như thay đổi tỷ lệ thực hiện bảo lãnh thực hiện hợp đồng từ 10% xuống 5% và trong bảo hành từ 10% xuống 3%; thay đổi tỷ lệ giữ lại khi thanh toán từ 10% xuống 5%; cho phép nhà thầu đưa ra yêu cầu về chi phí khi gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, chấp thuận đơn giá nếu phải gia hạn tiến độ...

Báo cáo kiểm toán còn chỉ ra, tình trạng nhiều dự án điều chỉnh quy mô, giá trị điều chỉnh lớn so với phê duyệt lần đầu. Riêng Bộ Giao thông Vận tải có tới 27/42 dự án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 122.352 tỷ đồng và 97,27 triệu USD; dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh điều chỉnh 3 lần, tăng 6.812 tỷ đồng (tương đương 275,61%); dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 29.937,6 tỷ đồng (tương đương 172,2%).

Bên cạnh đó, còn tình trạng điều chỉnh dự án có các tiêu chí quan trọng quốc gia khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội. Đơn cử, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ Gia thông Vận tải lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng (tăng 9.231,6 tỷ đồng, tương đương 205,27%) khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh dự án đầu tư...


 



Hương Giang