Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 chiều ngày 5/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến vụ 39 người thiệt mạng trong xe container tại Đông Bắc London (Anh) đang được dư luận quan tâm.

Theo người đứng đầu Chính phủ, đây là sự việc đau lòng, gây bàng hoàng cho gia đình các nạn nhân, cộng đồng, từng trái tim người Việt.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chia buồn đến thân nhân, gia đình các nạn nhân. “Tại phiên họp Chính phủ này, một lần nữa chúng ta chia sẻ mất mát này đến từng gia đình nạn nhân”, Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp báo chiều muộn cùng ngày, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, ngay sau sự việc xảy ra, ngày 25/10, tại Nhật, khi Thủ tướng dự lễ đăng quang của Nhật Hoàng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan (Bộ Công an, Bộ Ngoại giao) yêu cầu làm rõ nguyên nhân và có biện pháp phối hợp với cơ quan chức năng của Anh để xử lý vụ việc.

"Đến thời điểm này chúng ta có thể nói công tác xác định danh tính các nạn nhân đang được tiến hành khẩn trương, thận trọng và yêu cầu thật chính xác. Danh tính các nạn nhân sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất, khi mà phía cơ quan của Anh công bố thì chúng ta cũng công bố", ông Dũng cho hay.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong chỉ đạo Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương (Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình...) hết sức động viên thân nhân nạn nhân. Bằng các biện pháp thích hợp nhất để bù đắp nỗi đau của các gia đình nạn nhân. Đồng thời đưa ra các biện pháp hỗ trợ trong khả năng của địa phương.

"Các cơ quan chức năng Việt Nam được yêu cầu xác minh danh tính người thiệt mạng, đưa họ về quê hương sớm nhất. Đồng thời hoàn tất thủ tục điều tra, nghiêm trị người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, đây cũng là bài học sâu sắc trong công tác quản lý, bởi đây là vụ việc di cư bất hợp pháp. Việt Nam luôn luôn lên án mạnh mẽ tội phạm đưa người di cư bất hợp pháp, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác hơn nữa trong việc phòng, chống loại tội phạm này.

Chỉ 5 con đường đi lao động ở nước ngoài hợp pháp

Cũng tại phiên họp báo, chia buồn với gia đình các nạn nhân, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, loại hình tội phạm buôn bán người, di cư bất hợp pháp khác hoàn toàn với việc chúng ta tiến hành tổ chức cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bộ trưởng Lao động Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung

Theo ông Đào Ngọc Dung, có 5 hình thức tổ chức cho lao động đi làm việc ở nước ngoài gồm: đi qua các doanh nghiệp mà Việt Nam cấp phép; đi giữa hợp tác giữa các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty giữa 2 nước; đi cá nhân ký trực tiếp với các tổ chức nước ngoài nhưng đăng ký qua Sở Lao động - Thương binh Xã hội và cơ quan quản lý nước ngoài; hợp tác đào tạo liên kết giữa 2 bên được cấp phép. Hình thức cuối cùng là trao đổi công việc, lao động hợp tác giữa các địa phương, quốc gia với nhau trong thời gian ngắn hạn như giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Nhật…

“Chúng ta có gần 400 doanh nghiệp được cấp phép, đủ tư cách đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Và trong 3 năm qua, mỗi năm, chúng ta  đưa trên 100 ngàn người đi lao động ở các nước”, ông Dung nói.

Bộ trưởng Dung nhấn mạnh, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đều công khai, minh bạch từ công khai mức thu phí, mức lương từng doanh nghiệp, địa bàn… Vừa qua, đã thanh tra, kiểm tra 118 doanh nghiệp trong tổng số gần 400 doanh nghiệp này.

“Trực tiếp Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo đình chỉ, thu hồi, thậm chí cấm vĩnh viễn 1 số doanh nghiệp vi phạm, trong đó có những doanh nghiệp có truyền thống bề dày đến 20 năm”, ông Dung cho hay và khuyến cáo, người dân nên đi lao động ở nước ngoài theo con đường hợp pháp.

Hương Giang