Bạo lực không chừa sân bay, giờ xông thẳng vào bệnh viện

Theo bà Hiền, có cử tri nói rằng, nên đổi tên thành Luật Phòng, chống tham nhũng thành Luật “Diệt” Tham nhũng vì sự lan nhanh, lan rộng như virus, nguy hiểm như dịch bệnh của nó.

Hay sau nhiều năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới thì mức độ, phạm vi bạo hành ngày càng mở rộng hơn, công khai hơn. Bạo lực tấn công vào trường học, ngang nhiên chốn công sở, bạo lực không chừa cả sân bay - nơi có yêu cầu nghiêm ngặt về an ninh - giờ thì xông thẳng vào bệnh viện để truy sát nạn nhân, hành hung y bác sĩ, bất chấp đạo đức, pháp luật hiện hành.

“Người dân vi phạm nhẹ hay nặng đều bị pháp luật xử lý, cán bộ gây sai phạm nghiêm trọng thì điều chuyển, vẫn an toàn sau lớp vỏ nghiêm túc kiểm điểm - rút kinh nghiệm, chịu trách nhiệm tập thể. Điều này dễ làm cho dân hiểu rằng áp dụng luật dành cho dân khác với cán bộ”, ĐBQH Đoàn Phú Yên nói.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên băn khoăn: Tại sao những nghịch lý ấy cho đến hôm nay vẫn còn tồn tại, vẫn kéo dài mãi?

“Phải chăng ngay từ đầu, tính nghiêm minh, sự minh bạch đã không được coi trọng trong công tác xây dựng pháp luật? Phải chăng, những lỗ hổng pháp lý, tính kỷ cương kỷ luật trong thực thi quyền hành, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ trong cơ quan tư pháp đang bị xem nhẹ, đã tạo ra những câu chuyện nghịch lý trên”.

Cả họ làm quan dẫn đến “tổ Đảng nhà ta, Chi bộ nhà ta”

ĐBQH Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên) phản ánh, tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn bổ nhiệm người nhà ở nhiều địa phương thời gian qua.

ĐBQH Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên)

“Nhiều người nhà cùng làm quan, liệu trong công việc có công tâm, khách quan không? Ai là người kiểm tra đánh giá năng lực, hiệu quả công việc của những người này? Điều đáng nói, nếu dòng họ đó không có người có vị trí trọng trách tại đó thì những người kia có được bổ nhiệm vào những vị trí đó không?”, ĐB nêu.

Theo ĐB, nhận diên rõ tình trạng cả họ làm quan cũng chính là nhận diện rõ hành vi tham nhũng, tham nhũng vặt của cán bộ công chức, để có biện pháp xử lý.

“Vì nếu để lâu thì cả họ làm quan sẽ phát sinh tình trạng “tổ Đảng nhà ta,Chi bộ nhà ta” và sẽ kéo theo sự phân công chia chác quyền lực, không trách khỏi tình trạng mất tập trung dân chủ gây mất đoàn kết, bè phái phái cục bộ, tranh chức tranh quyền giữa các dòng họ”, ĐBQH Đoàn Điện Biên nói.

Tình trạng “cả họ làm quan” còn dẫn đến hệ lụy, thiếu dân chủ trong chỉ đạo điều hành. Theo ĐB Trần Thị Dung, tuy đây là tham nhũng vặt nhưng tác hại khôn lường, làm hư hỏng nền công vụ ngay tại cơ sở làm cải cách hành chính trì trệ ngay từ cơ sở, người dân không mấy tin tưởng vào lãnh đạo.

“Vì vậy nếu quan điểm nhà dột từ nóc là nguy hiểm thì lũ lụt thấm vào nền móng còn nguy hại hơn rất nhiều, nền móng mà lún sụt thì không nhà cửa nào đứng nổi”, ĐB Trần Thị Dung, đoàn Điện Biên nói.

Cán bộ "chạy" chức sẽ tính thu lại bằng cách tham nhũng

Cũng nói về công tác cán bộ, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh băn khoăn: Có hay không có tham nhũng trong bổ nhiệm công chức? Nếu có thì báo cáo chưa đầy đủ, còn nếu không, sao lại đúng quy trình mà người có tài, có đức không được bổ nhiệm, người kém lại được.

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ

Theo ĐB, thực tế có tình trạng trên, vì “không có lửa, không có khói”. “Dân gian kết luận: Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ hẳn là có lý”, ông Bộ đồng tình với ý kiến của ĐB Đặng Thuần Phòng “nạn chạy chức chạy quyền là 1 trong 6 bất an của xã hội ta”.

Từ vấn nạn 4 vần “ệ”, ông Bộ cảnh báo: Phòng, chống tham nhũng trong việc đánh giá cán bộ rất khó, cả hành vi nhận và đưa. Song, nếu không chống tham nhũng trong công tác cán bộ thì hệ quả sẽ tạo ra đội ngũ cán bộ mà Nghị quyết Trung ương 6 đánh giá “rất đau lòng” là đội ngũ cán yếu kém. Đặc biệt, nó sẽ tạo ra thế hệ tham nhũng thứ 2 vì khi “chạy” mất tiền đến khi có quyền thì tính thu lại và không cách nào khác là tham nhũng.

Cho nên, theo ĐBQH Nguyễn Mai Bộ, phải sửa luật cán bộ công chức, bổ sung quy định phương pháp đánh giá cá bộ công chức trước khi bổ nhiệm. Cụ thể, đưa 2-3 cán bộ nguồn cho 1 vị trí cần bổ nhiệm, đánh giá tiêu chí của từng cán bộ, cán bộ nào có nhiều tiêu chí đạt hơn thì được bổ nhiệm vào chức vụ mới.

Thảo Nguyên