Qua lời khai của bị cáo, bị hại và những tài liệu liên quan có đủ cơ sở khẳng định Lê Duy Phong đã lợi dụng danh nghĩa trưởng ban, uy hiếp tinh thần để chiếm đoạt 250 triệu đồng.

HĐXX cũng cho rằng hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, cần cách ly khỏi xã hội. 

Bị cáo biết việc chiếm đoạt của người khác là vi phạm pháp luật nhưng vẫn làm, thể hiện sự coi thường pháp luật, tu dưỡng bản thân rất kém. Do vậy, đây là tình tiết tăng nặng.

Đối với kiến nghị của luật sư về việc cho bị cáo hưởng tình tiết tự thú và bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, HĐXX nhận thấy có cơ sở nên cần được chấp nhận.

Quá trình xét xử, bị cáo thành khẩn khai nhận, có thành tích xuất sắc, cha đẻ có công với đất nước… đây là những tình tiết giảm nhẹ. Do vậy, HĐXX nhận định "xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là đủ".

Đối với 26 phóng viên, xét thấy không có đủ cơ sở xác định những người này liên quan nên tòa không triệu tập.

Về phía ông Vũ Xuân Sáng, HĐXX TAND TP Yên Bái kiến nghị Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái xem xét xử lý theo quy định của điều lệ Đảng.

Về vật chứng, trả lại 50 triệu cho ông Thực, trả lại chiếc ô tô cũng như việc phong tỏa tài khoản của Phong.

Trước đó, theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Yên Bái, lợi dụng việc một số báo đăng tin bài gây hoài nghi, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín, công việc của một số lãnh đạo tỉnh Yên Bái, vì mục đích vụ lợi, trong các ngày 16/6/2017 và ngày 22/6/2017, Duy Phong đã hẹn gặp ông Vũ Xuân Sáng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái ở phòng làm việc và tại Nhà hàng Oanh Hiện thuộc tổ 66, phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái.

Tại đây, Lê Duy Phong với danh nghĩa là Trưởng ban Bạn đọc, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã dùng lời lẽ uy hiếp về tinh thần để chiếm đoạt của ông Sáng 200 triệu đồng và chiếm đoạt của ông Hoàng Trung Thực 50 triệu đồng.

Bùi Bình